Thiếu tướng Lê Đăng Dũng.

Tập đoàn xây dựng những giải pháp công nghệ như cầu truyền hình, công cụ khai báo y tế trong khoảng thời gian tính bằng ngày.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, cách chúng ta duy trì hoạt động hàng ngày hay hành động đối phó dịch bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu không có công nghệ. Đây cũng là bài toán mà Viettel đang theo đuổi với hàng loạt giải pháp dành cho Chính phủ, các bộ ban ngành từ cầu truyền hình kết nối Bộ Y tế với 22 bệnh viện hay hệ thống nhà trường số có khả năng kết nối 43.000 trường học.

Trong bài phỏng vấn dưới đây, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Quyền chủ tịch Tập đoàn Công nghệ Viễn thông Quân đội (Viettel) khẳng định tập đoàn đang dốc toàn lực trên mặt trận đoàn kết chống Covid-19.

- Là một tập đoàn công nghệ, Viettel tham gia công tác phòng chống Covid-19 như thế nào, thưa ông?

- Ngay từ đầu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã có định hướng về việc dùng các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông giải quyết bài toán phòng chống dịch. Bởi vậy, Viettel là một thành viên trong Ban Chỉ đạo. Thực tế chứng minh các giải pháp công nghệ đóng góp tích cực vào hoạt động này.

Để công tác điều hành hiệu quả cần có dữ liệu đầu vào chính xác, Viettel đảm nhận vai trò đưa các giải pháp công nghệ hỗ trợ Ban Chỉ đạo điều hành tốt nhất.

- Giá trị của những giải pháp mà Viettel đã triển khai là gì?

- Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa tính toán chi phí, chỉ tập trung toàn lực đưa các giải pháp vào nhanh nhất, phục vụ tốt nhất theo quyết sách của Ban Chỉ đạo.

Khi Ban chỉ đạo yêu cầu hệ thống cầu truyền hình kết nối Bộ Y tế đến 22 bệnh viện hỗ trợ công tác điều hành và hội chẩn, hơn 100 kỹ sư Viettel đã làm không nghỉ trong 1,5 ngày, ngay trong Tết để thực hiện khối lượng công việc đáng lẽ cần 1-2 tháng. Công tác này đã giúp Ban chỉ đạo cũng như Bộ Y tế thực hiện hoạt động điều hành thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương ngay từ đầu.

Đường dây nóng của Bộ Y tế quá tải, hệ thống mới ngay lập tức được Viettel triển khai chỉ trong một ngày với quy mô nhân sự gấp 20 lần hệ thống cũ, phục vụ miễn phí 400.000 khách hàng tìm hiểu thông tin về bệnh dịch.

Ngoài ra, công cụ khai báo y tế triển khai tại 100% cửa khẩu hoàn thiện trong 48 giờ, đảm bảo toàn bộ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ, hàng hải đều được kiểm soát y tế. Hơn 22.000 cán bộ nhân viên Viettel Post trực tiếp cùng với cán bộ y tế địa phương gấp rút xây dựng cơ sở dữ liệu về cư dân và cư trú trên toàn quốc.

Nếu tính riêng các con số hàng triệu phút gọi, hay hàng tỷ tin nhắn đang được Viettel cung cấp miễn phí để truyền thông về bệnh dịch, giá trị có thể tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng các con số đó không phản ánh giá trị nỗ lực của người Viettel trong trận chiến này.

Hàng vạn con người Viettel vẫn hàng ngày xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện các giải pháp hiệp đồng chia lửa cho các bộ phận khác. Hiện tại, chúng tôi nhận thức: chúng tôi là những người lính và đang trực tiếp tham gia chiến đấu với nCoV.

- Vừa qua, Viettel ký cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành thông tin và truyền thông với ngành giáo dục và đào tạo trong phòng, chống Covid-19, ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này?

- Từ 2014, Viettel hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng hệ thống nhà trường số đáp ứng xu hướng chuyển đổi số. Trước dịch này, Viettel kết nối hệ thống này đến gần 26.000 trường. Với chúng tôi, trường học đã sẵn sàng, chỉ còn việc mở rộng dung lượng để được nhiều học sinh hơn cùng lúc, đồng thời nhiều giáo viên dạy cùng lúc để nhiều phụ huynh giao lưu cùng nhà trường.

Ngày 26/3, Viettel công bố mở rộng dung lượng kết nối 43.000 trường học. Chúng tôi cũng hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở đào tạo đại học, bao gồm: máy chủ hoặc chỗ đặt máy chủ trong trung tâm dữ liệu, đường truyền với băng thông đủ lớn đảm bảo dạy và học trực tuyến trong mùa Covid-19.Viettel miễn phí dữ liệu cho học sinh và giáo viên.

Cả khi dịch qua đi, Viettel tiếp tục không thu phí quyền sử dụng dữ liệu này. Đây là cơ hội để tất cả bậc học từ phổ thông tới đại học chuyển lên học trực tuyến. Bởi việc học trực tuyến là xu hướng tất yếu của cuộc sống.

- Trong bối cảnh dịch bệnh, việc sản xuất kinh doanh của Viettel chịu ảnh hưởng như thế nào?

- Đến thời điểm này, kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel vẫn ổn. Toàn tập đoàn hoàn thành kế hoạch tháng 2 vừa qua. Một số đơn vị sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch với xã hội. Nhưng Viettel có sự chuẩn bị để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng đó, biến nguy thành cơ. Đây là lúc thuận lợi nhất thúc đẩy quá trình số hóa và chuyển đối số.

Theo quan điểm của tôi, trong khó khăn luôn có cơ hội. Thời điểm hiện tại phù hợp cho việc thúc đẩy các dịch vụ online. Kiến tạo xã hội số cũng là mục tiêu mà Viettel đặt ra từ năm 2019. Do đó, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước.

Hiện tại, hạ tầng Viettel đã phủ rộng khắp, bất cứ nơi nào có sóng Viettel thì có thể phục vụ khác hàng. Dịch còn diễn biến phức tạp, khách hàng sẽ thay đổi thói quen của mình khi sử dụng các dịch vụ online.

Viettel chưa điều chỉnh kế hoạch của một đơn vị nào, nhưng khi qua đợt dịch, một số đơn vị khó khăn thì điều chỉnh xuống, những đơn vị có ưu thế thì đẩy mạnh hơn lên. Cuối cùng, mục tiêu của toàn tập đoàn là không đổi và chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành.

Minh Hà