Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Người cựu chiến binh ấy là người lính mặc thường phục. Đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa – Bí thư Đảng bộ, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

Vâng, tôi giới thiệu như vậy, để bạn đọc hiểu rõ hơn công việc mà nhà
thơ đang đảm nhiệm, chứ thực ra, ai hỏi về mình, ông chỉ muốn mọi người biết, mình là một CCB thôi. Hình như ông “dị ứng” với các chức vụ. Sở dĩ tôi biết vậy bởi tháng 3 - 2019, khi mời nhà thơ Trần Đăng Khoa lên giao lưu với thầy và trò Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, tôi có hỏi các chức vụ của ông để viết lời giới thiệu thì nhà thơ nói: “Cháu chỉ cần giới thiệu đây là nhà thơ, hay nhà báo, hoặc gọn hơn, ông CCB Trần Đăng Khoa”.

Thế cũng đã quá đủ. Hóa ra, ông coi sự nghiệp của mình là cầm bút chứ không phải chức vụ hay địa vị, mặc dù vai trò của ông trong Hội nhà văn hiện nay không hề nhỏ. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nhìn ông ở khía cạnh một người lính – một CCB, nhưng chưa bao giờ ngừng đập trái tim lính.

Trước đây, chúng ta đã biết tình yêu quê hương đất nước của cậu bé Khoa mới 8, 9 tuổi thông qua những bài thơ trong tập Góc sân và khoảng trời. Sau này, ta cũng vẫn biết tình yêu ấy của “anh Khoa”, rồi “ông Khoa” qua những bài thơ viết ở giai đoạn trưởng thành và qua rất nhiều chuyên mục trên 6 tờ báo in, cùng với những bài viết sắc sảo thể hiện đủ đầy nhất lòng yêu nước, yêu nhân dân của nhà thơ.

Nhưng đó là tình yêu được thể hiện trong văn chương. Thiết nghĩ, thể hiện tình yêu ấy không khó (tôi muốn nói về tư tưởng chứ không nói về sản phẩm thơ bởi để có những vần thơ mang hơi hướng của thiên tài như Trần Đăng Khoa chắc còn lâu lắm văn đàn Việt Nam mới tìm được). Và tôi, một người yêu thơ vẫn luôn ngưỡng mộ tài năng của ông qua những tác phẩm của ông như thế. Đến khi được gặp nhà thơ Trần Đăng Khoa ngoài đời, tiếp xúc với ông nhiều hơn, thì sự ngưỡng mộ của tôi không còn dừng lại ở những bài thơ, những trang văn ông viết nữa, mà tôi ngưỡng mộ chính con người ông, ngưỡng mộ sự nhân ái và đức độ của ông. Thực sự là như vậy.

Ban đầu, tôi ngạc nhiên ở những việc lẻ tẻ mà ông làm, như: Được mời với tư cách là khách tham gia giao lưu với sinh viên khoa tôi, nhưng khi khoa tôi mời ông ăn cơm, ông dứt khoát cứ đòi ra trả tiền vì sợ chúng tôi là “các cháu” thì làm gì có tiền trả. Vâng, toàn “các cháu” là giảng viên đại học đã gần 40 tuổi. Tiếp đó, qua câu chuyện mà nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Dương ở Bắc Ninh kể, tôi được biết, ông còn trả tiền cả bữa ăn mà ông trót đặt để tiếp chú Dương nhưng sau đó không ăn đến bữa đó vì cả hai “bị” một người bạn kéo đi bằng được để mời ăn ở một chỗ khác. Khi chia tay ông dúi vào túi bác Dương một triệu đồng để bác có tiền đi taxi về Bắc Ninh. Rồi nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhiều lần than với tôi rằng phát bực ông Khoa khi được người ta mời đi ăn nhưng lúc nào cũng tranh trả tiền.

Bản thân tôi, mỗi lần có việc đến gặp ông ở Hội Nhà văn, cứ ra về là ông lại rút tiền đưa cho tôi và bảo cháu cầm mà trả tiền xe. Tôi phải kêu lên: “Chú ơi, cháu đi làm gần 20 năm rồi và cháu có lương mà”.

Nói sự đức độ và nhân ái của ông qua mấy câu chuyện vặt vãnh liên quan đến tiền này có vẻ không phù hợp. Nhưng tôi nghĩ, nó không “vặt vãnh” đâu. Đấy là ông đang nghĩ cho người khác, lo cho người khác đấy. Ngay khi đang giúp đỡ người khác, mà ông còn không cho người ta trả tiền thì đừng bao giờ nghĩ đến việc, ông nhận tiền của ai, kể cả khi ông giữ các chức của mình.

Vào trang facebook của nhà thơ Trần Đăng Khoa - một trang facebook có hàng chục nghìn người theo dõi, chắc ai cũng đọc được những bài viết của ông trước những vấn đề nóng hổi của đất nước. Đầu tiên là vấn đề Biển Đông và Bãi Tư Chính. Ông sợ mất đi tấc đất mà cha ông ta dày công gây dựng và đã đổ máu xương để gìn giữ. Mất Bãi Tư Chính là mất cả Miền Nam. Bãi Tư Chính lại gần căn cứ của Trung Quốc ở Campuchia. Rất nguy hiểm. Tiếp đó là nạn dịch Covid-19 xảy ra, ông lo nếu không đóng cửa biên giới sẽ làm bùng phát dịch và người chịu khổ chính là người dân.

Những bài viết như cắt da cắt thịt, đau đáu trước vận mệnh đất nước, trước cuộc sống của người dân. Sự lo lắng ấy của ông chẳng phải là trách nhiệm của một công dân hay sao? Không những vậy, ông còn quan tâm đến con người cụ thể chứ không phải chỉ là người dân chung chung. Bằng chứng là qua hàng loạt bài viết về vụ án Hồ Duy Hải. Thiết nghĩ, những người có tấm lòng như nhà thơ Trần Đăng Khoa (giữa xã hội hiện nay vẫn còn có một bộ phận người vì lợi ích cá nhân mà làm những điều thất đức) thì quả là đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Trước hàng loạt những bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa như vậy, có rất nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có người quy chụp, xuyên tạc tư tưởng và tấm lòng của ông. Tôi mạnh dạn  nói với ông: “Chú viết thế làm gì? Nếu chú viết mà thay đổi được tình hình thì đi một nhẽ, đằng này, liệu có hiệu quả không? Hơn nữa, vì một người không quen biết mà chú đánh đổi mạng sống của mình thì có đáng không? Lúc đấy, vợ con chú sẽ thế nào?”

Ông bảo: “Họ còn bảo sẽ giết chú cơ cháu ạ… Dù không thay đổi được tình hình thì cũng phải nói. Nếu ai cũng vô cảm, im lặng, dửng dưng thì cái ác sẽ hoành hành. Hồ Duy Hải chỉ là một người dân, chú chẳng quen biết cậu ấy. Nhưng chú là một người lính. Chú phải bảo vệ dân chứ. Nếu vì dân mà chết thì cũng có sao đâu. Bao nhiêu đồng đội chú nằm lại trong những cánh rừng kia. Chú là lính, chú không sợ chết. Không dọa được chú đâu. ..”

Tôi đã nghiên cứu nhiều về thơ của Trần Đăng Khoa (hiện nay tôi  đang hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sĩ về thơ ông). Tôi thấy rằng nội dung tư tưởng thơ Trần Đăng Khoa luôn luôn thống nhất với con người ông. Trước sau như một, ông là một người con đất Việt yêu quê hương, đất nước, con người sâu sắc. Ông mãi mãi là người lính mang một màu không đổi – màu lính Bộ đội Cụ Hồ…

Ths. Nguyễn Tú Quyên