Mất ATGT đường sắt có nhiều nguyên nhân, nhưng có đến 90% là các nguyên nhân chủ quan, còn do nguyên nhân khách quan như bão lũ thường rất ít. Theo thống kê, với tổng chiều dài hơn 2.600 km với các tuyến hoạt động chính là tuyến đường sắt Thống Nhất (Hà Nội - T.P Hồ Chí Minh), Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai… hiện có tới 5.719 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt. Trong đó, có tới 1.519 đường ngang và 4.200 lối đi tự mở; có 654 đường ngang có rào chắn, như vậy còn hơn 5.000 đường ngang không có rào chắn, phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người dân. Khoảng 70% số vụ TNGT xảy ra trên các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, chủ yếu tại các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt và dọc 2 bên hành lang ATGT đường sắt. Những cảnh như thế này xảy ra ở rất nhiều địa phương. Tuyến đường sắt qua thôn Khánh Thành Bắc, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm dài chỉ 2km nhưng luôn là điểm nóng về ATGT đường sắt tại tỉnh Khánh Hòa. Hàng loạt hộ dân tự mở lối đi, băng qua đường sắt ra đường bộ. Hiện, trên địa bàn có hơn 20 lối đi tự mở. Tương tự, tại khu vực đường sắt song song đường bộ gần ga Văn Điển (Hà Nội), hàng loạt cửa hàng kinh doanh san sát, cửa hàng nào cũng tự mở một lối băng qua đường sắt bằng đủ các loại vật liệu mặc dù đã có đường gom cách đó chỉ khoảng 200m. Chủ một cửa hàng vô tư nói: “Làm thế để tiện đi lại, tiện cho khách vào cửa hàng. Với lại, toàn người ở đâu đến bị tai nạn, chứ dân ở đây quen rồi”… Đáng buồn, đây lại là thực trạng phổ biến trên toàn hệ thống đường sắt Việt Nam. Tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt cũng đáng báo động. Theo thống kê đến tháng 2-2018, toàn mạng lưới đường sắt còn tồn tại 14.170 vị trí vi phạm; nhức nhối nhất là Đà Nẵng với 1.556 vị trí, tiếp đến là Khánh Hòa 1.236, Hà Nội 11.199... Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có cả việc một số địa phương khi giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư thiếu sự phối hợp với ngành Đường sắt khi quy hoạch hệ thống đường giao thông .
Thứ hai, xảy ra TNGT đường sắt một phần rất quan trọng do ý thức người tham gia giao thông. Nhiều người rất chủ quan, coi thường mạng sống và tài sản của mình khi không quan sát và bằng mọi cách đi qua đường sắt khi tàu đang đến gần, mặc cho có nhân viên gác ghi. Rất nhiều vụ ô tô, xe máy đứng giữa đường sắt khi tàu đang đến như trên thực tế tại một số địa phương đã diễn ra vừa qua. TNGT đường sắt còn do ý thức chủ quan của chính một số cán bộ ngành Đường sắt đã xảy ra mới đây tại ga Núi Thành. Thực trạng yếu kém, lạc hậu của ngành Đường sắt nước ta cũng là một trong những nguyên nhân gây TNGT đường sắt. Hạ tầng đường sắt đường đơn, khổ 1m lạc hậu, xuống cấp. Hệ thống thông tin đường sắt còn lạc hậu, tuy đã có đầu tư một số ga, tuyến nhưng chưa đồng bộ. Hiện nay, ngành Đường sắt đang khai thác hàng nghìn đầu máy, toa xe quá cũ, có phương tiện đã được sử dụng 50-60 năm. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị đang quản lý hơn 3.000 toa xe hàng, nhưng có đến 1.900 xe đã sử dụng 30 năm, chiếm tới 60%; trong đó gần 300 toa xe thời gian sử dụng trên 48 năm… Phương tiện cũ và lạc hậu là yếu tố dễ dẫn đến sự cố chạy tàu như trật bánh đầu máy, toa xe. Thống kê cho thấy đến những ngày đầu tháng 6-2018, cả nước đã xảy ra 116 vụ TNGT đường sắt, trong đó có hàng chục vụ ở mức đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản công dân và tài sản xã hội.
Để giảm thiểu TNGT đường sắt, chúng ta cần làm rất nhiều, đặc biệt là đầu tư nguồn vốn. Thời gian tới, ngành Đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với các các đơn vị liên quan xử lý vấn đề đường ngang trái phép, phấn đấu đến năm 2025 xóa hết hơn 4.200 đường ngang trái phép. Thực hiện chủ trương thay thế toa xe quá niên hạn, từ năm 2017 đến nay, hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn đã và đang đóng mới 150 toa xe khách thế hệ 3. Gần 1 năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tập trung đẩy mạnh ứng dụng KHCN ở 6 lĩnh vực: Vận tải, hạ tầng, cơ khí, cứu nạn, thông tin tín hiệu và quản trị doanh nghiệp, lắp điện thoại trên đầu máy để nhân viên mặt đất có thể liên lạc dễ dàng với lái tàu; lắp
ca-me-ra hành trình trên đầu máy; trang bị ca-me-ra giám sát tại phòng trực ban chạy tàu và tại các cụm ghi; lắp thiết bị giám sát từ xa cho các đường ngang cảnh báo tự động và camera giám sát đường ngang, lắp đặt thiết bị GPS trên các đầu máy đảm bảo có thể chạy tàu nhanh nhất trong khu gian, có thể cho chạy 2 đoàn tàu nối tiếp nhau (cùng chiều), tránh lãng phí hạ tầng, kiểm soát chướng ngại vật...
Cùng với việc đầu tư nguồn vốn to lớn để vực dậy ngành Đường sắt, nâng cao hiệu quả việc đảm bảo ATGT đường sắt, một điều dễ nhận thấy và dễ làm nhất đối với mỗi người khi tham gia giao thông là tuân thủ Luật Giao thông, bảo đảm an toàn Khu hành lang chạy tàu…
Thái Phong