Trao xe lăn tặng nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật tỉnh Bạc Liêu. (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Ông ngồi trước hiên nhà lặng im. Để mặc những cơn gió Lào thổi vào khô rát. Tóc rối bời. Mặt hốc hác. Tấm thân héo gầy. Mặc nắng gió, dẫu có khắc nghiệt thế nào cũng không bằng những đớn đau trong lòng ông. Mấy chục năm rồi, nỗi đau còn nhức nhối. Nỗi đau mang tên... da cam.

Ngày ấy, ông là Bộ đội Trường Sơn, chiến đấu suốt từ Quảng Bình vào đến Thừa Thiên Huế. Những cánh rừng già chở che bộ đội bỗng trơ lá sau những vệt rải thảm da cam. Chất độc da cam/dioxin ngấm vào đất, hòa vào nước, ăn sâu vào da thịt. Ông trở về thân thể lành lặn. Vợ chồng ngày gặp lại nước mắt rưng rưng.

Sau bao tháng ngày cách xa, ông muốn bù đắp những thiệt thòi cho người vợ đã son sắt đợi chờ. Căn nhà sẽ rộn ràng, đầm ấm nếu có thêm tiếng nói, tiếng cười trẻ thơ. Vợ chồng ông ấp ủ những ước mơ nhỏ nhoi về cuộc sống bình dị nơi quê nhà. Thế nhưng bất hạnh như dòng thác lũ đổ ập xuống căn nhà nhỏ. Những hình hài lần lượt chào đời rồi lại ra đi. Các con chẳng chịu ở với cha mẹ lấy một ngày. Chiến tranh! Ông may mắn tránh được hòn tên mũi đạn. Nhưng có một điều còn đau đớn hơn cả đạn bom, ấy là di chứng mang tên chất độc da cam. Đó là bi kịch cuộc đời khi ông phải tự tay chôn cất những đứa con của ông trong vườn nhà. Những ngôi mộ xanh lần lượt xếp hàng. Nơi ấy đang ấp ủ những linh hồn không tuổi. Ông lặng lẽ như chiếc bóng giữa ngôi vườn, âm thầm nhớ những đứa con chưa kịp đặt tên. Tất cả đều nhẹ nhàng theo mây về phía cuối trời để lại nỗi đau hiện hữu trên khuôn mặt nhàu nhĩ của người cha.

Đã quá nửa cuộc đời ông chịu đớn đau về thể xác, tổn thương về tinh thần. Giờ đây, người đàn ông ấy dẫu có ép chặt đôi mắt lại cũng không thể rỉ ra giọt lệ mặn mòi. Nước mắt lặn vào trong để trào dâng những cơn sóng lòng dữ dội. Những nấm mộ xanh trở thành chứng tích của tội ác chiến tranh, là hiện thân của nỗi khổ đau mà những người nhiễm chất độc da cam/dioxin và các thế hệ con cháu của họ phải gánh chịu. Đã qua rồi một thời đạn bom, thế nhưng thế hệ hôm nay vẫn đang mang nợ những con người đã gánh thay những nỗi đớn đau ấy...

ĐỨC NAM