Chị Quàng Thị Nguyệt nghiên cứu chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV.

Là người dân tộc thiểu số sinh trưởng ở bản vùng biên giới tỉnh Điện Biên, vượt qua bao khó khăn của đói nghèo, lạc hậu và cả những định kiến dành cho nữ giới của dân tộc Khơ Mú, Quàng Thị Nguyệt đã quyết tâm tốt nghiệp Học viện Phụ nữ Việt Nam, trở thành 1 trong 2 nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV trẻ nhất.

Với phong thái chững chạc, tự tin của tuổi trẻ, Quàng Thị Nguyệt, sinh năm 1997, ở bản Búng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà cho hay: “Việc trở thành nữ ĐBQH là niềm vinh dự tự hào không chỉ của bản thân mà cả gia đình và thôn bản. Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy có chút áp lực. Thời gian tới mình phải làm gì để góp phần đưa tiếng nói của dân bản đến các cấp chính quyền; dân bản có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển, đặc biệt là nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình”.

Mường Mươn là xã miền núi khó khăn, với 4 dân tộc (Mông, Khơ Mú, Thái, Kinh) cùng sinh sống. Trong cộng đồng hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến, nhất là trọng nam khinh nữ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, từng bước loại bỏ được những định kiến trọng nam khinh nữ, các vụ bạo hành gia đình có xu hướng giảm. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như: Phong tục tập quán và trình độ nhận thức nên vấn đề này vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề mà nhiều cử tri rất quan tâm, nhất là những cử tri thuộc thành phần yếu thế trong xã hội.

Việc trúng cử ĐBQH khóa XV cũng bắt đầu chặng đường ĐBQH Quàng Thị Nguyệt thực hiện lời hứa của mình với cử tri đã nêu trong chương trình hành động. Nguyệt cho biết, sẽ cùng các ĐBQH kiến nghị những giải pháp mang tính chiến lược, đề xuất với Quốc hội ban hành những văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực gia đình, tiến tới việc thực hiện bình đẳng giới cả phương diện pháp luật và thực tiễn.

“Là người bước ra từ bản làng, tôi nhận thức được từ bất bình đẳng giới dẫn đến bạo lực gia đình, phụ nữ không phát huy được vai trò, vị thế của mình... Vì vậy, tôi luôn cố gắng lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó có kế hoạch tuyên truyền giáo dục các vấn đề giới, bình đẳng giới trong gia đình qua những buổi làm việc trực tiếp với cơ sở. Tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình, không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định mình trong gia đình và xã hội. Đồng thời xây dựng nhiều chương trình phối hợp trong hệ thống nhà trường giúp cho thanh thiếu niên nhận thức sớm những vấn đề về giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống” – Quàng Thị Nguyệt chia sẻ.

Niềm tin, kỳ vọng của bà con gửi gắm vào nữ ĐBQH Quàng Thị Nguyệt, hy vọng Nguyệt sẽ có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Điện Biên cũng như cả nước.

Phạm Kiên