Các chỉ số về kinh tế-xã hội và nhất là tăng bậc ngoạn mục hàng chục bậc liên tiếp hai năm qua của một loạt chỉ số xếp hạng môi trường quốc tế của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao tại Diễn đàn kinh tế thế giới, nhìn bức tranh tổng thế thì chỉ số an toàn quốc gia và sự lạc quan của người dân vào tương lai đã cải thiện rõ rệt
Những điểm sáng trong bức tranh đầu tư và môi trường kinh doanh trên đây chứng tỏ lòng tin thị trường, cũng như năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Việt Nam đã và đang được cải thiện tích cực, bất chấp những quan ngại của ai đó về việc Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP và một số động lực tăng trưởng truyền thống, như nhân công giá thấp hay dựa vào xuất khẩu tài nguyên của Việt Nam đang và sẽ cạn dần.
Tuy nhiên, áp lực nợ công, nợ xấu và việc Tổ chức Minh bạch thế giới trong phúc trình về tình trạng tham nhũng ở Á châu đặt Việt Nam vào vị trí số hai trong danh sách 5 nước tham nhũng nhất châu lục... cũng cho thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam cần và sẽ phải được tiếp tục cải thiện, cùng với những nỗ lực trong trách nhiệm và khả năng, sự nhận thức và đồng thuận cao của Đảng, Nhà nước, người dân và cộng đồng DN về đẩy mạnh chống tham nhũng và xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, đồng hành và hỗ trợ DN, phục vụ người dân, tạo ra nền móng để có nguồn động lực tăng trưởng mới trên cơ sở tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển; khai thác các cơ hội Việt Nam đã tham gia vào các Thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA); đưa ra các luật lệ kinh doanh có tính cạnh tranh và có cơ chế tốt hơn giúp khu vực kinh doanh thuận lợi hơn, cải thiện cơ cấu xuất khẩu với tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam gia công và chế tạo ngày càng tăng...
Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, với 12 chỉ tiêu, theo đó: GDP tăng 6,5-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; CPI bình quân tăng khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23-23,5%; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Chính phủ đã xác định thực hiện nhất quán 3 trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018 là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...
Về tổng thể, năm 2018, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục các động lực tăng trưởng đã tích lũy từ năm trước và có thể nhận thêm nhiều xung lực mới và cơ hội mới, với nhiều kỳ vọng khởi sắc hơn cùng với năng lực đổi mới công nghệ, đà tăng giá dầu thô, trong khi giá vàng, giá bất động sản khó có bứt phá và lạm phát có thể gia tăng áp lực.
Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục thuộc nhóm có tốc độ tăng GDP cao thuộc nhóm hàng đầu khu vực và gấp đôi mức tăng trưởng chung toàn thế giới. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ và lan tỏa từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; sự hồi phục đáng khâm phục của ngành nông nghiệp, nhờ tăng ứng dụng công nghệ cao và nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và cải thiện hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nhờ đó, Việt Nam tiếp tục trụ hạng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo; số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới và quay lại hoạt động tiếp tục tăng; tiếp tục thu hút vốn và khách du lịch nước ngoài...
Đặc biệt, động lực tăng trưởng trong nước sẽ ngày càng tăng và tỷ lệ thuận với kết quả xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật và thực thi công vụ, chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, giảm thời gian thực hiện thủ tục, cắt giảm chi phí hoạt động, nhất là chi phí giao dịch không chính thức của DN và người dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, loại bỏ các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Kết quả chống tham nhũng và cải thiện tỷ lệ nghèo đói, lạm phát, nợ xấu và nợ công đang và sẽ tiếp tục là hệ quả và thước đo tổng hợp nhất về năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ kiến tạo Việt Nam năm 2018...
Thực tế đã, đang và sẽ còn cho thấy, trong bối cảnh bùng nổ nền công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, sẽ không có ngoại lệ không đổ vỡ cho bất kỳ một cường quốc hay một doanh nghiệp và đại gia nào.
Một Chính phủ kiến tạo cần đổi mới không ngừng để liên tục cải thiện môi trường đầu tư, phối hợp hiệu quả hai bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường; coi trọng sự đồng bộ và chú ý đầy đủ tính hai mặt của các chính sách; tăng cường khả năng dự báo, minh bạch hóa thông tin, năng lực phản ứng thị trường và phản ứng chính sách, giữ vững niểm tin chính trị, niềm tin đầu tư, niềm tin thị trường, niềm tin tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người dân, DN, hài hòa lợi ích theo yêu cầu phát triển bền vững...
Nói cách khác, sự liên tục đổi mới quản lý và không ngừng củng cố niềm tin vừa là động lực, vừa là thước đo cho sự phát triển ngày càng tích cực trên hành trình xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...!
TS. Nguyễn Minh Phong