Trước hết, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2010 đã cao gấp nhiều lần năm 1976. Cụ thể: GDP tăng 7,2 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,8, công nghiệp tăng 42,4 lần; GDP/đầu người (giá so sánh) tăng 4,3 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 57,9 lần; số bác sỹ tăng 6,7 lần…

Thắng lợi 30/4/1975 đã đưa đến những bước chuyển vị thế quan trọng của đất nước.

Thứ nhất, Việt Nam đã chuyển từ chiến tranh kéo dài (gần 30 năm) sang thời kỳ xây dựng đất nước trong hoà bình. Chiến tranh đã làm cho kinh tế nước ta bị tụt hậu khá xa so với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cùng điểm xuất phát.

Thứ hai, Việt Nam đã chuyển từ một nước bị chia cắt kéo dài sang một nước thống nhất.

Thứ ba, Việt Nam đã chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung và chế độ bao cấp hiện vật kéo dài sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh (từ trên 12.000 xuống còn trên 3.000); số lượng doanh nghiệp tư nhân xuất hiện và tăng mạnh, hiện lên đến mấy trăm ngàn; số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện và đã lên đến mấy nghìn. Vị thế của doanh nghiệp đã được chuyển đổi, từ chỗ Nhà nước vay nợ nước ngoài để nuôi doanh nghiệp, chuyển sang doanh nghiệp nuôi nhà nước, doanh nghiệp trở thành nòng cốt thu hút lao động, tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, Việt Nam đã chuyển từ chỗ bị hụt hẫng về vốn đầu tư, ở thị trường Liên Xô (cũ), Đông Âu, từ chỗ bị bao vây cấm vận, nhưng với đường lối mở cửa, hội nhập, đa dạng hoá, đa phương hoá đã trở thành nước có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt trên 72,9 tỷ USD, bằng 70,9% GDP, có tỷ lệ xuất và nhập khẩu so với GDP đạt 154,4% - cao thứ 5 thế giới. Đã có trên 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có hầu hết các nước phát triển đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, với số vốn đăng ký đạt gần 80 tỷ USD; khu vực này hiện đã sản xuất trên 18% GDP, chiếm trên 25% tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, chiếm 42% giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm 54,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,7 triệu lao động, đóng góp trên 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Cùng với việc phát triển kinh tế đối ngoại, Vịêt Nam còn nâng cao vị thế về mặt ngoại giao, chính trị trong khu vực và trên thế giới.

Thứ năm, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 30 năm (tính từ năm 1981, chỉ sau kỷ lục thế giới là 33 năm, hiện do Trung Quốc nắm giữ). Tốc độ tăng GDP thời kỳ 1977- 2010 đã đạt xấp xỉ 6%/năm- thuộc loại cao trên thế giới, trong đó có những thời kỳ tăng với tốc độ cao hơn (1991- 1995 tăng 8,18%/năm, thời kỳ 2001- 2005 tăng 7,51%/năm,…). Sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả thần kỳ, chuyển từ nước phải nhập khẩu lớn về lương thực, thực phẩm,… sang nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông, lâm - thuỷ sản có khối lượng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng với tốc độ cao (bình quân thời kỳ 1977- 2010 tăng xấp xỉ 11,7%/năm). “Phong độ” tăng 2 chữ số đạt được liên tục trong 18 năm (tính từ 1991), chỉ bị ngắt quãng vào năm 2009, từ năm 2010, “phong độ” đó đã trở lại, trở thành động lực tăng trưởng chung, tạo tiền đề cho bước phát triển mới.

Thứ sáu, do tăng trưởng kinh tế khá, do tốc độ tăng dân số giảm (từ 2,19%/năm thời kỳ 1981- 1985 xuống còn 1,05% năm 2010), do tốc độ tăng tỷ giá VND/USD thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng (bình quân thời kỳ 1991- 2010 là 5,46%/năm so với 10,1%/năm),… nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá. Nếu năm 1988 mới đạt 88 USD/người - là một trong số nước có mức thấp nhất thế giới - thì năm 2010 đã đạt 1.168 USD/người, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp). Đây là một bước chuyển vị thế quan trọng mới của đất nước.

Thứ bảy, kết quả tăng trưởng với định hướng phát triển vì con người, Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực về mặt xã hội. Chỉ số phát triển con người (HDI) đã đạt kết quả tích cực trên ba mặt: tăng lên về tỷ số; tăng lên về thứ bậc trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; thứ bậc về HDI cao hơn thứ bậc về GDP bình quân đầu người. Tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh từ gần một nửa số dân trong cuối thập kỷ 1980, xuống còn 10,6%/năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ khoảng 13% trong năm 1989 xuống còn 4,43% trong năm 2010 - một kết quả tích cực của việc chuyển đổi cơ chế, phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở cửa hội nhập của nhà nước và ý thức tự lo việc làm của người dân…

Việt Nam đang bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI với mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó sẽ là một bước chuyển vị thế mới của đất nước.

A Hoàng