Chúng tôi tới Ninh Bình trong những ngày đầu tháng Tám lịch sử. ẩn hiện trong những làng quê trù phú, yên bình là những ngôi nhà mới xây mái ngói đỏ tươi... Hơn 1.200 ngôi nhà đã được hoàn thành từ đề án “Hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008-2009” giúp người nghèo khó khăn về nhà ở.

Chồng hy sinh ở chiến trường miền Nam, bà Phạm Thị Nhàn ở thôn Quảng Công, xã Yên Thái, huyện Yên Mô phải lam lũ, vất vả một mình nuôi hai con thơ dại, cuộc sống chật vật, bà và con cháu lâu nay vẫn ở trong ngôi nhà vốn là nhà kho của HTX cải tạo lại. Được trợ giúp 25 triệu đồng cùng sự giúp đỡ của chính quyền và anh em họ hàng, đồng đội, bà con làng xóm... gia đình bà đã cố gắng xây cất căn nhà mái bằng rộng hơn 40m2. Hôm khánh thành nhà, bà cảm động không nói nên lời. Cùng chung nỗi niềm ấy, ông Đinh Văn Hải, thương binh ở xã Văn Phong, huyện Nho Quan rất hạnh phúc được ở trong ngôi nhà mới. Đã 80 tuổi, nhà neo người, chỉ trông vào 5 sào ruộng, lại thường xuyên ngập lụt, vết thương thường xuyên tái phát nên suốt bao năm người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn ở trong căn nhà dột nát... Ông bảo, nếu không được Đảng, Nhà nước quan tâm, có lẽ căn nhà cũ bị mối mọt phá hoại cũng sắp sập đến nơi. Được trợ giúp sửa nhà, ông dốc hết vốn liếng dành dụm, vay mượn thêm cộng với sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và bà con, đồng đội... nay ông đã hoàn tất ngôi nhà rộng 18m2 trị giá hơn 40 triệu đồng, nỗi lo nhà sập thường trực khi mùa mưa bão tới đã không còn...

Những năm qua ở Ninh Bình, cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là chính sách xóa nhà tranh tre vách đất... tạo điều kiện cho nhiều hộ chủ động vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, đến giữa năm 2008, toàn tỉnh vẫn còn 1.120 hộ khó khăn về nhà ở, trong đó 199 hộ chưa có nhà ở, 757 hộ có nhà hư hỏng nặng, tập trung ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn... Trước tình hình ấy, ngày 8-7-2008, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt đề án: “Hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2008-2009” với tổng kinh phí hơn 18,6 tỷ đồng... Thời điểm năm 2008, khi tỉnh chưa kịp cấp kinh phí thực hiện kế hoạch năm 2009, huyện Yên Mô đã tạm ứng hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các hộ thuộc diện hỗ trợ năm 2009 xây mới, sửa chữa nhà ngay trong năm 2008. Huyện cấp đất cho 5 hộ, hỗ trợ xây mới 59 hộ, sửa chữa 25 nhà và có 8 hộ thuộc diện sửa chữa được sự hỗ trợ của dòng họ, cộng đồng đã chuyển sang xây nhà mới; ngoài ra huyện còn hỗ trợ hộ nghèo 50.000 đồng đồng/sào để mua giống cây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp may xuất khẩu đầu tư dây chuyền 300 máy may công nghiệp giải quyết việc làm cho nhân dân ba xã Yên Thái, Yên Thành, Yên Đồng... Xây nhà, sửa nhà cho hộ nghèo trở thành câu chuyện thời sự ở các thôn, xóm. Huyện Tam Điệp là đơn vị đi đầu không dùng kinh phí hỗ trợ của tỉnh mà phát huy nội lực, tự chủ nguồn kinh phí. Phong trào “Lá lành đùm lá rách” lan rộng khắp thôn, xóm, dòng họ, nhiều cá nhân, đơn vị tích cực ủng hộ, tổng cộng được hơn 620 triệu đồng... ở huyện Yên Mô, nổi lên nhất là việc bầu chọn công khai, dân chủ, phần lớn công trình tận dụng tối đa nhân lực tại chỗ là ngày công lao động phổ thông của anh em, dòng họ, cộng đồng dân cư, từ đó tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, bền chặt. Còn ở thị xã Tam Điệp, sau khi làm điểm thành công và được nhân ra toàn tỉnh, việc thực hiện đề án không có đơn thư khiếu nại về thất thoát và không công bằng...

Trước đây, ở nhiều vùng quê Ninh Bình, cái đói, cái nghèo luôn đi liền với những ngôi nhà tranh vách đất thì nay làng xóm đã đổi thay nhiều bởi những ngôi nhà kiên cố, khang trang, nồng ấm nghĩa tình. Đó chính là nghĩa, là tình của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân miền quê giàu truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa này.

Anh Tuấn