Đánh thức, bảo quản vũ khí, khí tài
Đại úy Nguyễn Văn Thọ, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, 36 tuổi, từ năm 2000 đã qua các đảo Nam Yết, Đá Lát, Đá Nam, nay là đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết: Các đảo của Trường Sa quanh năm ngập trong hơi nước mặn và gió cát, luống rau, cây trồng phải quây kín để ngăn cát mới sống được, chiếc điện thoại di động cho vào túi ni lông treo ngoài dây phơi mới không bị hỏng. Vũ khí, trang bị, khí tài cũng dễ bị ẩm mốc, sét rỉ. Để bảo đảm luôn bền tốt, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chế độ lau chùi, bảo quản trang, thiết bị, đồ dùng quân sự tuy được cấp trên quy định thực hiện định kỳ theo từng quý hoặc 6 tháng một lần; song do nhận thấy sự xâm mặn của hơi nước, gió biển tác động, huỷ hoại nên các chiến sĩ từng khẩu đội, phân đội, cụm chiến đấu hàng ngày đều trực tiếp kiểm tra, đánh thức, lau chùi, bảo quản từng loại vũ khí, trang thiết bị được giao, trở thành nét đẹp của các đảo.
Lễ đón và tiễn khách
Trung tá Trịnh Văn Long, đảo phó đảo Trường Sa lớn, vợ anh cũng là một QNCN của Đoàn M01 Hải quân. 43 tuổi, 18 năm gắn bó với biển đảo, anh kể: Văn hóa đón và tiễn khách thường diễn ra ở cầu tàu hoặc cầu xuồng. Hôm ấy là ngày vui của cả đảo, bộ đội phải quân phục chỉnh tề, bà con mang áo dài hoặc sơ mi sạch sẽ, các cháu thiếu nhi mặc quần áo hoa, quàng khăn đỏ đứng thành hàng ngang đợi rồi bắt tay từng người một. Ở những đảo chìm còn có thêm một tiểu đội bơi lội đẩy xuồng và giúp khách lên xuống khi sóng to gió lớn. Đặc biệt trong lễ đón thì “phẩm vật” đầu tiên là một dãy thau nước ngọt, hàng chục chiếc khăn mặt để khách tẩy trần trước khi nhập đảo. Đây cũng là thể hiện lòng hiếu khách, vì nước ngọt rất quý, hiếm và là hàng chiến lược, phải chở từ đất liền ra hoặc hứng trong những cơn mưa. Mùa khô, một chậu nước ngọt được dùng làm nhiều lần như vo gạo, rửa rau, rửa tay chân… sau cùng đổ vào thùng chứa để chăn nuôi và tưới rau. Một người mỗi ngày được ba lít nước do đảo trưởng trực tiếp cấp, cứ 3, 4 ngày được “tắm thật” một lần, còn lại nhảy xuống biển kỳ cọ rồi lên lau người bằng khăn nhúng nước ngọt.
Trao kỷ vật và tài sản
Theo Trung tá Nguyễn Văn Sao, 46 tuổi, cụm trưởng cụm 2, đảo Nam Yết, quê ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa thì tục này thường diễn ra ở các đảo trong mỗi lần thay quân. Những ngày này, ngoài bữa cơm đón người mới ra đảo, tiễn người cũ vào đất liền, thường diễn ra các cuộc trao tài sản và kỷ vật; người được lệnh vào bờ trao lại toàn bộ những trang bị, vật dụng của mình như đàn ngan đang nuôi, cây tra mới trồng, giàn mướp trổ hoa, cây bút, quyển vở vẫn dùng... có khi cả những tấm áo, chiếc khăn tay cho người ở lại. Và những người chưa đến hạn vào đất liền có bao nhiêu kỷ vật, từ con ốc, quả bàng vuông, nhành san hô, cành phong ba... thu nhặt được trong những ngày ở đảo cũng gói ghém gửi người vào bờ làm quà cho đất liền. Điều cảm động là trong số những kỷ vật ấy có cả những... lá thư nhà, bức ảnh hay những đồ vật, lời nhắn gửi, hẹn hò…
Lễ thả hoa trên biển
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: Để tưởng nhớ đến những Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu, công tác trên quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Hải quân duy trì thành tập tục thả hoa truyền thống mỗi khi tàu thuyền qua vùng biển này. Tục thả hoa được tổ chức ở các đảo và điểm đảo trong toàn huyện nhưng ấn tượng, linh thiêng hơn cả là lễ thả hoa tại vùng biển giữa cụm đảo Len Đao, Cô Lin, nơi có 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đấu ngày 14-3-1988 và khu vực thềm lục địa phía nam nhà dàn DK1 có 3 liệt sĩ hy sinh trong những năm 1990. Đã thành lệ, mỗi khi tàu tới hai nơi này, dù là ban ngày hay ban đêm, những người lính trên tàu đều có chung một cảm giác như đâu đó các đồng đội của mình đang trở về hội tụ xung quanh. Không ai bảo ai, anh em đều ăn mặc chỉnh tề tự động lên boong tàu, đứng thành hàng ngang. Sau giai điệu “Hồn tử sĩ” bi ai và 3 hồi còi tàu âm vang trên mặt biển, các sĩ quan, chiến sĩ chuyển lên trước đội hình một bè hoa, kết nổi một mâm ngũ quả còn tươi nguyên cùng các vật dụng như trà thuốc, kim chỉ, gương lược… Lễ mọn lòng thành, những mong ấm lòng đồng đội xa bến, xa bờ được thả từ từ vào lòng biển, chan chứa cảm xúc thiêng liêng và lời thề giữ đảo.
Còn nhiều nét đẹp khác như các lệ chia thư, tục hò hát giữ giọng, mời cơm rau… cùng những đợt thi hát các làn điệu dân ca của mọi miền Tổ quốc được gìn giữ, dưỡng nuôi. Những nét đẹp đó thể hiện bản sắc văn hóa cùng với từng hải lý, tấc đất đều là máu, mồ hôi của ông cha và thế hệ đi trước để lại, đòi hỏi quân và dân Trường Sa và mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm