Đại diện Bảo tàng Quân khu 2 nhận di vật của liệt sĩ Tạ Kim Xuyên.

Trong dịp tiếp nhận di vật (2 lá thư) của liệt sĩ Tạ Kim Xuyên-người chiến sĩ anh dũng ngã xuống trong trận chiến đấu ác liệt đánh chốt đầu cầu thuộc tỉnh Kiến Phong, Kiến Tường (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp và Long An), chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Khắc Cường và được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu anh dũng của người đồng đội-liệt sĩ Tạ Kim Xuyên.

Đồng chí Tạ Kim Xuyên sinh năm 1948 ở xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Tháng 1-1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đồng chí lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 250, Quân khu Việt Bắc. Sau những ngày tháng huấn luyện vất vả, đồng chí cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Do lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, Tạ Kim Xuyên được kết nạp Đảng vào tháng 12-1969. Sau đó, đồng chí được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ.

Trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tham gia tiến công vào Lộc Ninh và Bình Long Tạ Kim Xuyên đã lập công lớn, nhưng trong trận chiến đấu ác liệt này, đồng chí bị thương ở đầu, phải nằm viện L12 điều trị. Khi vết thương ổn định, Tạ Kim Xuyên tiếp tục cùng đồng đội đánh địch ở Bình Long.

Đầu tháng 2-1973, trong đội hình Sư đoàn 5, khi đơn vị đồng chí Xuyên đánh Long Khốt thì đồng chí Tiểu đoàn trưởng hy sinh. Với tinh thần mưu trí, gan dạ, dũng cảm, đồng chí Tạ Kim Xuyên được cất nhắc, bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng. Thế nhưng, nghĩ mình còn quá trẻ nên đồng chí không nhận và xin làm Đại đội trưởng Đại đội 3, với quyết tâm đánh thắng trận ở Long Khốt, lập công, rồi mới quay về nhận chức sau.

Đại đội 3 của đồng chí Xuyên là đại đội chủ công nên đi trước. Vào ngày 19-2-1973, đơn vị hành quân đến Long Khốt thì bị lộ. Địch dùng trực thăng đổ bộ, bao vây. Đại đội 3 bước vào trận chiến đấu không cân sức nên hy sinh gần hết. Đồng chí Xuyên anh dũng chiến đấu. Trong lúc cơ động lấy đạn để quay lại công sự phòng thủ, đồng chí đã anh dũng hy sinh và được đồng đội mai táng.

Tại buổi tiếp nhận di vật, ông Tạ Phúc Long (em trai ruột của liệt sĩ) cho biết thêm: “Năm 1972, gia đình nhận được hai bức thư anh Xuyên gửi về từ chiến trường miền Đông Nam Bộ". Trong lá thư gửi về gia đình tháng 12-1972, có đoạn viết: “Đã 5 năm rồi con xa thầy mẹ, các em, xa bà con làng xóm vì bận rộn chiến đấu, công tác liên tục con không có dịp nào để biên thư thăm hỏi sức khỏe của thầy mẹ, các em và bà con gia đình ta, thầy mẹ tha lỗi cho con nhé... Năm nay con cùng cháu Minh đi Chiến dịch Nguyễn Huệ, tấn công vào Lộc Ninh và Bình Long con lập công lớn. Đáng buồn là con bị thương vào đầu phải đi bệnh viện đã khỏi và an dưỡng đến nay lại tiếp tục trở về đơn vị chiến đấu tốt rồi...".

Nội dung thư không chỉ thể hiện tình cảm dạt dào, nỗi nhớ nhà da diết của người con xa quê hương lên đường vào Nam chiến đấu; mà còn toát lên tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm. Mặc dù nơi chiến trường ác liệt, sự sống và cái chết cận kề, nhưng đồng chí vẫn rất lạc quan, yêu đời với khát vọng cháy bỏng mong đất nước được hòa bình, độc lập, tự do. Trong thư có đoạn viết: "Con hoạt động ở đồng bằng vất vả lắm, mở mắt ra là phải ngâm nước rồi, suốt ngày lênh đênh trên mặt nước đánh nhau với tàu bè và máy bay của địch... Còn chuyện đánh nhau thì vô cùng thú vị, ngày chiến thắng con trở về sẽ nói chuyện nhiều hơn". Và rồi Tạ Kim Xuyên nhắn gửi về gia đình với một niềm tin chiến thắng: "Thầy mẹ nhắc em cố gắng học nhé... Đất nước sắp hòa bình cần nhiều đến học sinh đấy. Gia đình tạo mọi điều kiện cho em học nhé...".

Ngày 14-6-2022, đáp ứng nguyện vọng của gia đình, các cơ quan chức năng đã đưa hài cốt liệt sĩ Tạ Kim Xuyên về an táng tại quê nhà. Với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, ông Tạ Phúc Long đã trao hai lá thư của liệt sĩ Tạ Kim Xuyên tặng Bảo tàng Quân khu 2, phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Bài và ảnh: THANH TỎA