Mặt trận Quảng Trị, một chiều tháng 8 -1972.

Tôi đang ngồi với Nguyễn Thế Thao - Phó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6, Sư đoàn 312, tìm hiểu về công việc chuẩn bị cho trận đánh sắp tới của tiểu đoàn, thì có một chiến sĩ mảnh dẻ, thư sinh, thập thò ngoài cửa hầm. Anh Thao rỉ tai tôi:

  • Hoàng Đăng Miện đấy. "Thằng" ấy hay lắm. "Nó" quê Bắc Ninh, học xong phổ thông, không vào đại học, xung phong đi bộ đội. Hơn 2 năm chiến đấu rồi, mà đôi má vẫn phinh phính như má con gái. Cả tiểu đoàn này, dễ cả trung đoàn này, không ai "đánh B40, B41" hay bằng "nó" đâu...

Rồi anh quay ra gọi Miện:

  • Miện ơi, lên tập trung để đi trinh sát Đồi Cháy hả? Tối mới xuất phát cơ mà!...

Miện bước vào, trên vai khoác khẩu B41, anh ấp úng hồi lâu, mới nói được với Phó tiểu đoàn trưởng là anh đã được đề bạt làm cán bộ trung đội, song vẫn xin giữ khẩu B41.... Nguyễn Thế Thao ôm lấy Miện, giọng trìu mến:

  • Mình hiểu...khẩu súng này đã cùng cậu diệt gần 70 tên địch, cậu không muốn xa nó phải không?...

Tôi xiết chặt tay Miện. Bây giờ mới gặp, song tên tuổi và khẩu súng huyền thoại của anh, tôi đã biết từ năm trước ở mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ấy là những ngày đại đội 9 chốt giữ đỉnh Ta - can. Lúc đó, anh Thao còn là đại đội trưởng. Cái "cửa ngõ" một sào huyệt lớn của địch này bị mất, chúng liều chết chiếm lại. Sau mấy ngày chiến đấu ác liệt, chốt được giữ vững, song lực lượng ta hao hụt, đạn cũng cạn dần. Anh em đang lo lắng, thì Miện đề nghị tiểu đội trưởng Tư cho anh đem theo một chiến sĩ đi "kiếm" súng đạn. Tư đồng ý. Hai người bí mật lui xuống chân dốc, lẩn ra một ngã ba đường mòn, nấp kín. Anh dặn bạn: Tớ biết một trung đội địch hay dùng AR15 báo hiệu thu quân về chỗ này. Sẽ tương kế tựu kế, lúc nào tớ đạp vào chân cậu, thì cậu nổ liền 6 loạt đạn AR15 nhé!..." Đôi bạn trẻ làm đúng như thế. Đã quen "hiệu lệnh", bọn địch tản mát xung quanh đổ xô lại, Chờ chúng đứng vào hàng, Miện "chụp" liền hai trái B40 xuống, mấy tên còn sống sót thì khẩu AR15 của chiến sĩ kia "quét" nốt. Rất nhanh, hai anh xông vào đám xác giặc...Chỉ tiếc không đủ sức mang hết súng đạn của địch về...Đâu chỉ có chuyện cũ từ năm trước, mà năm nay thôi - khi Sư đoàn vừa hành quân từ chiến trường nước bạn, về chiến trường Quảng Trị này, Miện và khẩu súng của mình đã có ngay những huyền thoại mới: Anh dẫn đầu một mũi thọc sâu, với bốn phát đạn B41, diệt hai ụ hoả lực và 15 tên lính dù, mở đường cho xe tăng và bộ binh xung phong, giải phóng nhanh chóng làng Như Lệ. Đánh xong, Miện cùng bốn chiến sĩ nữa ở lại chốt giữ. Chỉ năm người, song hai đại đội lính dù, có 3 xe tăng yểm trợ, mở 4 đợt tấn công vào Như Lệ, đều bị đánh bật... Làm thế nào vậy? Các chiến sĩ cùng chiến đấu với Miện không phân tích dài mà chỉ bảo rất thích cách đánh của Miện mỗi khi địch dàn quân lên chiếm chốt: Ấy là cho bọn chúng đến thật gần; dùng lực lượng nhỏ đánh "tạt sườn" để nó "vón cục" lại; rồi "Rồng lửa" của Miện thốc thẳng vào mặt chúng...Càng nghe nhiều "giai thoại" của Miện, giờ được gặp anh, tôi càng nóng lòng theo dõi trận đánh Đồi Cháy sắp tới của tiểu đoàn 6, trong đó có đại đội 9- Một đại đội mà chỉ sau hai chiến dịch: Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng 1970-1971 và Quảng Trị 1972, đã vun đắp, xây dựng lên hai người Anh hùng- Nguyễn Thế Thao và Hoàng Đăng Miện!

Đồi Cháy là một đồi cao đã bị địch đốt cháy trụi, do một đơn vị lính thuỷ đánh bộ Ngụy chiếm giữ, được chúng lập nhiều tầng hoả lực, nhiều tuyến lô cốt, chiến hào, bao bọc nhiều hàng rào, bãi mìn, còn xung quanh là đồng đất trống trải. Tướng ngụy Bùi Thế Lân đã gọi Đồi Cháy là "con mắt của thị xã Quảng Trị", và chọn đây là bàn đạp để lấn dũi sang các địa bàn giải phóng khác. Đêm 8-9-1972, tiểu đoàn 6 chiếm lĩnh trận địa cùng mệnh lệnh: "Từ 17 giờ ngày 9 trở đi, thời cơ xuất hiện lúc nào, đánh lúc ấy, không để tới ngày 10". Khó khăn đặt ra là: giấu quân ở đâu từ đêm ngày 8 đến 17 giờ ngày 9? Gíâu quân xa, sẽ không kịp xung phong; giấu quân vừa tầm thì địa hình trống trải , lại là những "túi" pháo dàn và B52 của địch? Cuối cùng tiểu đoàn quyết định: giấu quân ở trong lòng đất, ngay dưới chân đồi cháy- cách địch 70 mét.

Đêm ấy và sáng hôm sau yên tĩnh. Chiều, liên tiếp bốn trận liền (15 giờ; 15 giờ 30; 16 giờ; 16 giờ 32 phút), B52 giội bom xuống quanh Đồi Cháy - Giá tiểu đoàn 6 giấu quân cách địch 100m trở ra, thì đã "dính" những loạt B52 này. 17 giờ 25 phút, trên Đồi Cháy xuất hiện hàng trăm nấm khói-bọn địch (tên nào có, tên ấy lo) đang nấu cơm chiều. Thời cơ nổ súng đã đến. Sau những loạt hoả lực phủ đầu, bộ đội giũ tro bụi bật dậy xung phong. Mũi đột kích của đại đội 9 chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài nhanh chóng, song bị chững lại ở lưng đồi, vì pháo dàn của địch trùm lên Đồi Cháy; từ trên cao, một ổ 12ly 8 lại quét chéo xuống sườn đồi, làm quân ta không sao tiến lên được. Một tình huống mới lại đến với Miện. Anh trườn lên, tìm một địa thế thuận lợi, rồi bỗng đứng vụt dậy (vì nằm bắn, đạn sẽ vọt qua điểm cao), giương khẩu B41, bóp cò! Ổ 12ly 8 câm bặt. Những bước chân xung phong rầm rập tràn lên. Miện đang lắp tiếp vào đầu súng trái đạn mới, thì một vầng sáng chớp lóe trước mặt, mọi người chỉ kịp thấy quả đạn B41 trên đầu súng của anh bắt ánh lửa, đỏ chói lên như búp sen sắp nở!...

Hai ngày sau, tờ tin "Chiến thắng" in rônêô của Sư đoàn 312 phát hành nhanh xuống các đơn vị, trong đó có bài " Bông sen thép Hoàng Đăng Miện" của tôi và bài thơ ca ngợi anh của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu (khi ấy anh còn là nhà thơ sư đoàn), trong đó có đoạn:

"...Anh sinh nơi có nước sông Cầu

Anh ngã xuống bên bờ Thạch Hãn

Một dòng sông chôn nhau

Một dòng sông máu thấm

Tuổi trẻ Anh làm cây cầu

Nối hai dòng sông ấy gần nhau!..."

Nguyễn Phúc Ấm