Các công ty hoạt động để kiếm lợi nhuận nhưng không phải cứ thấy lợi là họ có thể làm do các quy định ngày càng được siết chặt, nhất là với các công ty cung cấp các dịch vụ mạng xã hội.

Ông Nick Clegg - Phó chủ tịch Facebook, mới đây cho biết trang mạng xã hội này đã từ chối tổng cộng 2,2 triệu quảng cáo trên Facebook và Instagram và rút 120.000 bài viết được cho là cố tình "cản trở bỏ phiếu" trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Rõ ràng, việc từ chối quảng cáo với số lượng như vậy sẽ làm thất thu của công ty rất nhiều tiền nhưng có nhiều mấy thì họ cũng phải lắc đầu từ chối.

Chẳng những thế, Facebook còn phải làm mạnh tay hơn do những luật lệ ở Mỹ và các nước khác. Ông Clegg cho biết, cảnh báo đã được đưa ra với 150 triệu thông tin sai lệch. Ông Clegg cho biết thêm khi trả lời một tạp chí của Pháp: "Có 35.000 nhân viên phụ trách an ninh các nền tảng của chúng tôi. Chúng tôi cũng thiết lập quan hệ đối tác với 70 hãng truyền thông chuyên biệt để xác minh thông tin". Ngoài ra, Facebook cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để xóa hàng tỷ bài viết và tài khoản giả mạo trước khi người dùng báo cáo về vấn đề này. Facebook cũng lưu trữ toàn bộ các thông tin về quảng cáo như nguồn kinh phí hay nguồn gốc trong 7 năm để "bảo đảm tính minh bạch".

Không chỉ Facebook mà các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội khác gần đây đã tăng cường nỗ lực nhằm tránh bị lợi dụng để quảng cáo ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý hay quy định của các nước nhằm “vệ sinh” mạng xã hội, khiến mạng xã hội là một thế giới ảo nhưng lành mạnh và không gây những ảnh hưởng tiêu cực tới thế giới thực.

Nam Long