Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới bắt nguồn từ ngày 15-3-1962 khi thế giới xác định 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng gồm quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản, an toàn, cung cấp thông tin, lựa chọn, lắng nghe hay được đại diện, bồi thường, giáo dục về tiêu dùng, sống trong môi trường trong sạch và bền vững. Ngày Quyền của người tiêu dùng được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 15-3-1983. Hai năm sau, ngày 9-4-1985, Đại hội đồng LHQ đã chính thức phê chuẩn bản Hiến chương của LHQ về bảo vệ QLNTD. Ở Việt Nam, bảo vệ QLNTD đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ nhiều năm qua và chúng ta đã có Luật bảo vệ QLNTD có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, từ đó quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng đã được quan tâm hơn trước. Nói một cách công bằng, chúng ta đã làm được khá nhiều trong công tác bảo vệ QLNTD dùng trên quy mô cả nước qua hoạt động của các ngành chức năng như ngành Công an, Công thương, Hải quan, quản lý thị trường… Hàng vạn vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng từ mọi ngõ ngách biên giới thẩm lậu và Việt Nam cũng như tại khu vực thị trường nội địa đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và tiêu hủy mỗi năm, góp phần đắc lực vào bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, chúng ta thành lập và đưa vào hoạt động Hội Bảo vệ QLNTD Việt Nam và 47 Hội bảo vệ QLNTD tại các tỉnh, thành phố với hàng vạn người tham gia, thu hút đông đảo sự quan tâm của công luận. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm các Hội Bảo vệ QLNTD nhận được hàng nghìn đơn thư khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng từ các địa phương và đã xử lý thành công được khá nhiều trường hợp. Bên cạnh những kết quả tích cực đáng được ghi nhận này thì hoạt động của các tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong cả nước cũng tỏ ra nhiều bất cập. Thứ nhất, Hội Bảo vệ QLNTD chưa bao phủ được hết các tỉnh thành cũng như cấp huyện quận, phường xã trong cả nước nên người tiêu dùng khi cần thì chưa có tổ chức Hội để phản ánh. Thứ hai, hoạt động của Hội Bảo vệ QLNTD nói chung hiệu quả chưa cao do công tác tuyên truyền đến người dân quá ít, không có nguồn kinh phí cho hoạt động nên chất lượng cán bộ Hội thấp; việc giải quyết đến cùng cho mỗi vụ việc thuộc diện “đếm trên đầu ngón tay”. Nguyên nhân thứ ba thuộc về bản thân người tiêu dùng, do không nắm bắt được luật, do ngại va chạm, sợ “được vạ thì má đã sưng” tốn kém thêm nên âm thầm chịu thiệt. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) mới đây cho thấy, có tới 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, số lượng so với quảng cáo, 40% mua phải hàng có xuất xứ không rõ ràng; đặc biệt có gần 90% người tiêu dùng Việt Nam không biết cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền người tiêu dùng, 98% người dân không là thành viên của hội nhóm, CLB bảo vệ QLNTD; người tiêu dùng nói chung chưa tin tưởng vào hệ thống bảo vệ quyền lợi cho mình. Vậy nên, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có đất dung thân.
Để Luật Bảo vệ QLNTD đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, ngoài hoạt động của các lực lượng, các cơ quan chuyên ngành thì điều quan trọng là chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm vững và làm theo Luật. Cùng đó, việc cải tiến phương thức hoạt động của tổ chức Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các cấp theo hướng xã hội hóa và cần được các cấp chính quyền quan tâm trợ giúp kể cả về vật chất cũng như trong hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn. Có vậy, Luật Bảo vệ QLNTD mới đi vào thực chất, hiệu quả.
Quốc Huy