Mười cô gái trinh nữ bất tử của Đồng Lộc là cảm xúc sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Vì vậy, thơ ca viết ở Đồng Lộc, viết về Đồng Lộc rất nhiều, trong đó có những bài thơ rất xúc động như: “Cúc ơi!” của Yến Thanh, “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng, “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ...

Nhà văn Trần Hữu Tòng không ngoài số đó. Trước tinh thần quả cảm của mười cô gái Đồng Lộc, ông không khỏi xúc động và xúc cảm thành thơ, tuy cách thể hiện mỗi tác giả một khác, bởi như trong bài “Khoảng trời hố bom” nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết, có câu:

“...Gương mặt em, bạn bè tôi không biết

Nên mỗi người có gương mặt em riêng...”.

Nhà văn Trần Hữu Tòng là người nặng tình, nặng nghĩa với quê hương. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1939, ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có 15 năm là Bộ đội Biên phòng, 20 năm là phóng viên Báo Quân đội nhân dân và từng đảm nhận chức vụ Cục trưởng Cục Văn hoá thông tin cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao - Du lịch.

Nhà văn Trần Hữu Tòng đã xuất bản hàng chục tác phẩm văn học, trong đó 18 tác phẩm là văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn và 2 tập thơ “Đằm thắm” (xuất bản năm 1995), “Mái tóc anh” (xuất bản năm 1996). Số tiền nhận bút từ tập thơ “Mái tóc anh” ông dùng vào việc “Đền ơn đáp nghĩa” tại Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc - nơi mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh anh dũng trên tuyến đường trọng điểm thời chiến tranh chống Mỹ, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh quê ông. Đó là tình cảm của nhà văn đối với quê hương; với mười cô gái ấy ông coi như mười cô tiên của thế kỷ XX. Vì vậy, trong tập “Mái tóc anh”, ông có bài “Mười cô tiên Đồng Lộc”, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, với 10 khổ thơ, mỗi khổ tượng trưng cho một cô gái. Bài thơ này sau được trích đăng trên báo Văn nghệ ra ngày 22-6-1996, số đặc biệt chào mừng Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Bài thơ có đoạn:

“Đồng Lộc chiều thơm gió bạch đàn            

Xanh bờ râm bụt trắng hoa lan

Ao bom vương nhẹ làn mây bạc

Nắng muộn hàng bia đượm ráng vàng.

Bà mẹ làng bên thường kể lại

Đêm nghe tiếng hát vọng về đây

Và trong ánh chớp chiều giông sớm

Mười cô hiển hiện giữa vầng mây.

Tần - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh

Cúc - Nhỏ - Xuân quê bến nước lành

Quê nón bài thơ, quê lụa Hạ

Quê chung - Đồng Lộc gió trăng thanh...”.

Tình cảm của nhà văn dành cho mười cô gái Đồng Lộc không chỉ bằng những vần thơ đẹp, mà còn bằng những việc làm, nghĩa cử cao đẹp. Nhà văn Trần Hữu Tòng đã dành trọn số tiền nhuận bút hàng chục triệu từ tập thơ “Mái tóc anh”, về tận Ninh Bình để đặt mua một lư hương bằng đá núi Hoa Lư, nặng gần một tạ; sau đó ông trực tiếp mang vào Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc, đặt trước bia ghi công mười nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, rồi làm lễ cung tiến.

Lê Hồng Bảo Uyên