Gần 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì có tới hàng chục hội viên là thương binh. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, các nhà văn của chúng ta không chỉ có cầm bút mà còn phải cầm súng nữa. Trong số đó, hai nhà văn cùng quê Nghệ An, cùng bị thương nặng là nhà văn Sơn Tùng và Hoàng Cát. Với Hoàng Cát thì con đường bước vào văn chương không được suôn sẻ như nhà văn Sơn Tùng, với tác phẩm “Búp Sen xanh” nổi tiếng viết về bác Hồ (được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động).
Nhà văn Hoàng Cát sinh ngày 1-1-1942, tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sau khi học xong Trường trung cấp Cơ điện Hà Nội, ông về làm công nhân tại Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Tại đây, ông bắt đầu viết văn, làm thơ. Ông thường lui tới gặp nhà thơ Xuân Diệu để học hỏi văn chương; về sau hai người kết nghĩa anh em.
Đầu năm 1960, Hoàng Cát có viết một truyện ngắn nhan đề “Cây táo ông Lành”, chuyện kể về một ông già chăm sóc cây táo với lũ trẻ. Nhưng thật không may cho Hoàng Cát, tên truyện cũng như nhân vật chính ông Lành trong truyện lại trùng tên khai sinh của một cán bộ cao cấp, nên đã bị một số người suy diễn, nhất là giới phê bình văn học thời đó cho là có tư tưởng xét lại, xúc phạm một cán bộ cao cấp. Vậy là Hoàng Cát đã bị treo bút hằng chục năm trời. Bài ông viết gửi đi nhưng không báo nào đăng.
Năm 1965, Hoàng Cát nhập ngũ vào chiến trường Thừa Thiên Huế. Ở chiến trường, thời gian này ông tiếp tục sáng tác và gửi bài ra các báo, tạp chí ở Hà Nội, nhưng vẫn “bặt vô âm tín”. Trên chiến tường, cùng với đồng chí đồng đội Hoàng Cát dũng cảm chiến đấu và đã bị thương nặng, phải cưa mất một chân.
Sau năm 1971, ông xuất ngũ cùng với chiếc chân giả. Ông trở về Hà Nội tiếp tục viết văn, làm thơ và từ đó cái án văn chương “Cây táo ông Lành” được xoá bỏ, không còn treo lơ lửng trên đầu ông nữa. Hoàng Cát được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 và xuất bản được hàng chục đầu sách, chủ yếu là thơ và một tập truyện ngắn “Chuyện tình của Xin” (xuất bản năm 2005). Có thời gian Hoàng Cát phụ trách mục nhận xét tác phẩm của các em thiếu niên nhi đồng ở chương trình “Văn nghệ thiếu nhi” phát trên Đài tiếng nói Việt Nam.
Nhiều bạn bè gẫn gũi biết được con đường binh nghiệp và những thăng trầm của Hoàng Cát trong sự nghiệp văn chương đã nói vui rằng: Nhà thơ Hoàng Cát “đi treo bút... về treo chân”.
Nay tuổi đã xấp xỉ bát tuần, Hoàng Cát vẫn khoẻ, lạc quan sống và viết. Trong kỷ yếu “Nhà văn Việt Nam” - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, xuất bản năm 2007, ông tâm sự: “...Là con người thật sự, con người đúng với nghĩa là con người - không thể thiếu thi ca, không thể thiếu văn học. Nếu có kiếp sau xin cho tôi lại làm thi sĩ”.
Sau hằng chục năm, kể từ khi chân không còn bị treo vì đã lắp nạng gỗ. Bút không còn bị treo nữa, bởi “án văn chương” đã được cởi bỏ, nhà thơ Hoàng Cát càng viết nhiều và hay hơn.
Lê Hồng Bảo Uyên