Nhà phao tránh lũ do người dân sáng chế.

Không biết có phải do học hỏi ý tưởng, kinh nghiệm từ Chương trình “Nhà chống lũ” thuộc Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững (dưới đây gọi tắt là Quỹ Hỗ trợ), hay từ kinh nghiễm thực tiễn mà năm 2018, ông Dương Kim Thành, thôn Trung Tiến, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã làm thành công được ngôi nhà phao chống lũ rất nhiều tiện lợi.  

Ngôi nhà 35m2, nặng khoảng 6 tấn, được đặt trên 6 thùng phuy đủ sức nâng nhà lên mặt nước. Nước xuống thì nhà cũng xuống. Các thùng phuy cố định đều ở các góc của nhà. Vật liệu làm sàn và mái che chủ yếu bằng ống thép và tôn lợp.  Nhà phao được neo giữ bằng 2 cây cọc cắm xuống đất để không bị xô lệch; không bị nước cuốn trôi.

Mặc dù xã Điền Mỹ ở vùng “rốn lũ”, nhưng nhà phao của ông Thành cũng như các nhà khác trong xã đã chống chọi thành công qua 2 mùa lũ. Kể cả cơn lũ lịch sử năm nay, nước mưa dâng nhanh, cuồn cuộn đổ về. Nhưng nước cao đến đâu thì ngôi nhà phao nổi lên theo đến đó, tính mạng con người và tài sản được bảo vệ an toàn.

Hết lũ, ngôi nhà được sử dụng như một nhà kho cất giữ đồ đạc, lương thực.  Thậm chí đã có nhà làm cửa hàng bán tạp hóa...

Ngôi nhà nổi này có ưu việt hơn hẳn so với “Nhà chống lũ” thuộc Quỹ Hỗ trợ. Trước hết, nhà không cần một mẫu thiết kế thống nhất; làm to hay nhỏ, nội thất đơn giản, hay cầu kỳ là theo nhu cầu, điều kiện kinh tế, địa hình của từng hộ.

Tính trọng lượng ngôi nhà để đặt thùng phi phù hợp tưởng là khâu khó, nhưng lại được giải quyết hoàn toàn bằng kinh nghiệm thủ công rất đơn giản. Thường là mỗi căn nhà khoảng từ 30 đến 40m2. Nhân công cũng chỉ cần 2 người làm từ 3 đến 4 ngày là xong, với giá thành mỗi nhà từ 15 đến 30 triệu đồng - thấp hơn rất nhiều so với “Nhà chống lũ” của Quỹ Hỗ trợ.  

Nhất là, nhà phao chống lũ huy động được công - của ngay tại chỗ; lại bỏ qua được những thủ tục hành chính phiền hà. Và đặc biệt, không có thất thoát, lãng phí, tiêu cực.  

Hiện nay, UBND xã Điền Mỹ đã và đang động viên nhân dân làm nhà phao để sống chung với lũ. Những đối tượng chính sách, hoàn cảnh neo đơn sẽ từng bước được xã phối hợp, vận động các mạnh thường quân đóng góp giúp đỡ một phần.

Trong điều kiện Nhà nước chưa có Đề án “Sống chung với lũ” khả thi cho giải đất miền Trung, thì “Nhà phao chống lũ” là một lựa chọn phù hợp.

Huy Thiêm