Hôm trước, mới nghe tin nhà báo Hoàng Hồng Đương - tức Tư Đương - phóng viên Báo Quân đội nhân dân (chẳng biết đến từ lúc nào, cách nào) đang “nằm” với hướng tấn công chủ yếu của sư đoàn, hôm sau, lại có tin nhiều đoàn phóng viên quân đội vào tiếp. Đoàn của báo Quân đội nhân dân, do nhà báo Tô Ân - Trưởng phòng biên tập quân sự, làm trưởng đoàn, mới đến cửa ngõ mặt trận đã “dính” bom, anh Ân và anh TrầnTuấn hy sinh, xe phải quay lại, chỉ còn đoàn quay phim chụp ảnh của các anh Hà Tài, Lê Đức Tiến ở Xưởng phim Quân đội và anh Lương Nghĩa Dũng (ở Phòng Thông tấn quân sự, Cục Tuyên huấn) đi lọt. Vừa tới Sở chỉ huy Sư đoàn 312, các anh đã “đòi” xuống các trận địa chính và điểm đầu tiên các anh chọn là trận địa chốt trên cao điểm cao 1316 - chốt bàn đạp của chiến dịch!
Lên chốt
Tại hầm chỉ huy của trung đoàn 165 ở ngay chân chốt, anh Hà Tài – thay mặt đoàn nhà báo, trình giấy giới thiệu. Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông (sau này là Thiếu tướng) cứ lật đi lật lại mãi tờ giấy dưới ánh đèn đốt bằng mỡ cừu, ngần ngại:
-
Các anh định... định lên tận chốt?
-
Vâng, ở đó đối mặt với địch, lại ở thế cao, tiện cho quay phim, chụp ảnh lắm ạ!
-
Đúng vậy rồi, song đối mặt với địch, cũng có nghĩa đối mặt với bom đạn... Ngày hôm nay, chúng huy động hơn hai tiểu đoàn đánh lên chốt, và đánh tới 12 lần cơ đấy!... Không lên được đâu, nguy hiểm lắm!
Thấy trung đoàn trưởng có vẻ “khó tính”, Dũng, Tiến cùng “tán”:
- Bộ đội lên chốt chiến đấu hàng tháng còn được, đằng này chúng tôi chỉ lên quay phim, chụp ảnh một, hai ngày... Thủ trưởng phải giúp đỡ chúng tôi chứ ạ!
Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông cười gượng gạo:
- Đâu phải mình “khó tính”, mà là “khó xử” trước các khách quý đó thôi. Chịu thua các nhà báo vậy!...
Ngày hôm sau, địch ném bom và cho quân đánh lên chốt 15 lần. Điện thoại không liên lạc được, trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông như đứng ngồi trên đống lửa... Nhưng anh lo xa thôi: Đêm xuống, đoàn nhà báo đã về với anh an toàn...
Vào tuyến vây ép
Một tuần sau, tại Sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn, Lương Nghĩa Dũng quay điện thoại về Bộ tư lệnh Sư đoàn 312:
- Báo cáo! Chúng tôi ở đoàn quay phim, chụp ảnh quân đội đây ạ!...
Một tiếng cười nở bung trong ống nghe, tiếp đó là tiếng của Chủ nhiệm chinh trị sư đoàn (nay là Thiếu tướng Nguyễn Xuyên):
- Mình không ngờ đấy! Tuần trước, thấy điện các cậu gọi về từ chân chốt chiến dịch; đầu tuần này, nghe tin các cậu xuất kích cùng trung đoàn 165 tiến công địch trên điểm cao Phu Tâng; đêm nay, các cậu đã lại có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương rồi. Này, nghe kể các cậu vừa bị địch vây ở chân Phu Tôn hả?
Dũng áp chặt ống nghe vào tai, cười lúng búng. Hôm ấy, các anh có gặp địch thật. Chả là vội xuống với tiểu đoàn 2 cho kịp giờ xuất kích, đoàn không qua ‘trình diện” ban chỉ huy trung đoàn 141. Chưa thấy có lệnh của trên, vả lại, cũng lo các nhà báo gặp nguy hiểm, tiểu đoàn trưởng tiếu đoàn 2 kiên quyết không cho đi, chỉ thoả thuận là: Đơn vị làm chủ trận địa, sẽ đón các anh lên. “ Thế thì còn nói gì nữa, không cho đi cùng, thì “bí mật” theo sau vậy!”. Các anh nghĩ và đã làm thế, do vậy mà cả đoàn đã lạc vào một thung lũng lầy bùn, giáp bên một vị trí địch. Bọn chúng hò hét, bắn xuống như vãi đạn. Nghe tiếng súng nổ, tiểu đoàn 2 cử một tốp chiến sĩ trở lại “cứu”, rồi “đành” đón các anh đi theo...
Thấy Dũng cứ cười lục khục bên ống nghe, Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Xuyên giục:
Sao cười mãi thế? Nào, gọi điện cho mình có việc gì?
Dũng chợt nhớ ra mục đích của cuộc điện thoại, nói nhanh:
- Dạ, bọn địch ở vành đai Phu Tôn vẫn ngoan cố lắm ạ! Chúng tôi muốn vào tuyến vây ép với bộ đội, song đơn vị không cho... Đề nghị anh can thiệp...
Tiếng cười của Chủ nhiệm lại nở bung trong ống nói: “Hà hà hà... đúng là các nhà báo chiến sĩ!...”.
Những hình ảnh Hà Tài, Lương Nghĩa Dũng và Lê Đức Tiến quay được, chụp được còn nằm trong máy, chưa lên phim lên báo ngay, vì các anh còn đang ở mặt trận, song bước chân xông xáo dũng cảm của họ đã cổ vũ bộ đội, cổ vũ khí thế chiến đấu rất nhiều. Sức mạnh ấy càng nhân lên khi Sư đoàn 312 giải phóng xong Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, tiến quân về Mặt trận Quảng trị, thì nghe tin đoàn quay phim, chụp ảnh quân đội cũng đang có mặt ở đây, và nhà báo - nghệ sĩ - chiến sĩ Lương Nghĩa Dũng vừa hy sinh khi đứng trên một chiếc xe tăng của quân ta, cùng bộ đội dũng mãnh xung phong lên tiêu diệt địch trong Thành cổ...
*Bài và ảnh: *Nguyễn Phúc Ấm