Nhà báo cộng sản Julius Fucik.

Julius Fucik (Giuliút Phuxích) sinh ngày 23-2-1903 tại Praha (Tiệp Khắc, nay là cộng hòa Séc) trong một gia đình công nhân. Sớm say mê chính trị; sớm thể hiện năng khiếu và lòng yêu văn học, nghệ thuật; ngay khi mới là cậu bé 12 tuổi, Julius đã ôm ấp ý định xuất bản tờ báo Slovan (Người Xlavơ) và tích cực tham gia biểu diễn trong một gánh hát địa phương.

Năm 1920, Julius Fucik gia nhập đảng Xã hội Dân chủ Công nhân Tiệp Khắc (CSDWP) và tích cực tham gia Phái Tả của đảng này. Đây chính là phái mà tháng  5 năm 1921 tách ra khỏi CSDWP để thành lập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (CPC). Và ngay khi đó, Fucik đã trở thành một trong những cây viết hàng đầu cho tờ Rude Pravo-cơ quan ngôn luận của CPC. Do những hoạt động tích cực của mình, ông từng bị mật vụ Tiệp Khắc bắt giam nhiều lần và chỉ có sự may mắn mới giúp ông thoát hạn tù 8 tháng của nhà cầm quyền.

Trong các năm 1930-1934, Julius Fucik hai lần đến thăm Liên Xô. Ấn tượng với những điều tai nghe mắt thấy ở đất nước Xôviết, ông cho ra đời hàng loạt phóng sự, đặc biệt là cuốn “Ở đất nước mà ngày mai đã là hôm nay”, gây tiếng vang trong toàn châu Âu.

Sau Hiệp ước Munich, đặc biệt từ khi quân phát xít Đức xâm chiếm Tiệp Khắc (tháng 3-1939), Đảng Cộng sản Tiệp Khắc bị cấm, bị đàn áp và phải rút vào hoạt động bí mật. Fucik tiếp tục tham gia vào công việc phát hành tờ Rude Pravo và từ đầu năm 1941 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương CPC, do vậy, nằm trong danh sách bị Gestapo truy tìm.

Ngày 24-4-1942, Fucik cùng 6 đồng chí khác bị Gestapo bắt giữ ở Praha. Trong nhà tù Pankrac, Fucik bị biệt giam và hằng ngày phải đối mặt với những ngón đòn tra tấn dã man, tàn khốc của quân thù. Tuy nhiên, ông không hé răng khai nửa lời. Biết mình không có hy vọng thoát khỏi nhà tù phát xít, Fucik nảy ra ý định ghi lại cho thế hệ mai sau những suy nghĩ của một người cộng sản chân chính trong những ngày chờ đợi cái chết. Trong số những viên cai ngục, có một người Tiệp Khắc tên là Kolinxky,cảm phục tấm gương dũng cảm, kiên cường của Fucik nên mỗi ngày lại tuồn vào cho ông một mẩu giấy và bút chì. Fucik viết đến đâu lại nhờ viên cai ngục này chuyển ra ngoài cho đồng chí của mình. Những trang viết cuối cùng của ông kịp hoàn thành trước khi bọn Đức đưa ông đi xử tử vào ngày 8-3-1943. Fucik đã hát vang bài “Quốc tế ca” khi bị hành hình.

Sau ngày Tiệp Khắc được giải phóng (1945), bà Gusta Fucikova - người vợ, người đồng chí của Fucik đã tìm kiếm, thu thập được toàn bộ bản thảo những trang viết của ông và cho xuất bản lần đầu tiên vào mùa thu năm 1945, mang tên “Viết dưới giá treo cổ”.

Thiên phóng sự “Viết dưới giá treo cổ” gồm 8 chương ngắn gọn, mỗi chương là một bức tranh chân thực, sinh động về bộ mặt ghê tởm của chế độ nhà tù phát xít và về những phẩm chất cao đẹp của các chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc, về cuộc đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh của họ vào lúc lịch sử đất nước trải qua bước gian nguy. Thiên ký sự với những ngôn từ bình dị nhưng diễn tả những lý tưởng sống cao cả, những tình cảm trong sáng của một con người dù bị tra tấn tàn bạo nhưng luôn hướng về lẽ phải và niềm tin tuyệt đối vào những người đồng chí của mình.

Cuốn sách kết thúc bằng thông điệp bất hủ: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác!”.

Từ khi ra đời đến nay, “Viết dưới giá treo cổ” đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới với hàng chục triệu bản in.

Đăng Song