Tác giả phỏng vấn quân nhân Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 574 (Quân khu 5).

Trở thành nhà báo, được đi nhiều nơi, khám phát nhiều vùng đất mới - đó là mong ước cháy bỏng của tôi suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. “Cầu được ước thấy”, vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế, tôi được tuyển vào làm phóng viên báo Quân khu 5. Hàng chục năm gắn bó với nghề, đến nay niềm đam mê viết báo vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Vượt khó từ vạch xuất phát

Đầu năm 1993, tôi “đầu quân” về báo Quân khu 5. Những ngày đầu chân ướt chân ráo với “đồ nghề” là chiếc máy ảnh “cổ lỗ sĩ”, tôi hăng hái lắm, cứ nghe trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên sắp có hoạt động quốc phòng trọng điểm nào cũng đề xuất “xông pha”.

Phương tiện đi lại vô cùng… linh hoạt. Thuận thì “bám” xe BTL Quân khu hoặc xe các đơn vị trực thuộc; khó thì cứ “đường  hoàng” bước lên xe của Bộ Giao thông vận tải làm… hành khách. Thuở ban đầu do chưa định vị được nơi đơn vị đóng quân, hoặc địa phương cần đến, thì mỗi khi lên xe, thủ tục đầu tiên là dặn đi dặn lại “bác tài” nhớ cho xuống chỗ nọ, chỗ kia... “Thân gái dặm trường”, đường xa, thêm nạn “xe cóc”, “xe dù”, nên cứ thấp thỏm không yên. Đã thế còn hay say xe, uống thuốc chống say vào là cứ “gặt gà gật gù” suốt dọc đường đi. “Nhớ đời” hơn cả là chuyến “hải hành” đầu tiên đi đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cuối năm 1994 (thời điểm tỉnh Bình Thuận còn thuộc Quân khu 5). Đang mùa biển động, nằm ở nhà khách Bộ Chỉ huy chờ 3 ngày mới có tàu xuất bến. Lướt được 20 hải lý thì máy hỏng, nằm trên tàu chờ khắc phục sự cố bị sóng nhồi suốt một ngày. Đến được nơi rồi, tôi còn “trúng số độc đắc” khi một viên pháo (do chủ tàu đốt mừng chuyến xuất hành đầu tiên) nảy trúng vào cổ mới chịu nổ tung, để lại vết sẹo cứng đầu, chẳng chịu mờ đi cho đến nay vẫn còn...

Đi đã khó, lấy tài liệu còn khó hơn, về viết còn khó nữa... vì tôi chưa có nhiều kiến thức về quân sự, nhất là không có hẳn thời kỳ làm chiến sĩ... nên nhiều sự kiện “nóng” diễn ra rất nhanh, yêu cầu đăng tải thông tin rất gấp, tôi thường  “bụng bảo dạ”: Nghề nào chẳng có khó khăn, đồng nghiệp làm được, không lẽ mình lại đầu hàng?

Tác giả (thứ hai, trái sang) kể chuyện tác nghiệp biển đảo với bộ đội.

Thử lửa

Với nhiều nghề “trăm hay không bằng tay quen”, còn báo chí, mỗi giai đoạn đều là cuộc thử thách gian nan. Tập tành viết báo, khó từ cách tiếp cận, chọn lọc đến khai thác, thể hiện đề tài. Chẳng thế mà chúng tôi thường nói vui, viết báo còn “đau” hơn sinh nở, “rặn” cả tuần, cả tháng chưa chắc đã ra. “Săn” tin xong, phải chong mắt lên dàn ý, đánh vật với ngồn ngộn các ý tưởng, câu chữ, ngôn từ để “nặn” ra hình hài tác phẩm. Làm báo lính, muốm sớm vượt qua thời kỳ tân binh, chẳng còn cách nào khác là phải học. Đọc nhiều, hỏi nhiều, ghi chép nhiều, so sánh, đối chiếu để viết đúng, viết trúng rồi phấn đấu viết tốt, sâu sắc, làm ra những tác phẩm mang thương hiệu riêng, “găm” được vào trái tim bạn đọc. Thế mà, khi đã có thâm niên với nghề, lạ thay, càng ao ước được sống lại cái “thuở ban đầu”, “gân đang săn và thớ thịt căng da”, để cảm xúc lúc nào cũng dạt dào, tươi trẻ. Nguy cơ nhãn tiền lúc có thâm niên là sự “lão hóa”, sức ỳ, là “thả bộ” trên những đường mòn sẵn có, là sự lặp lại chính mình. Trước - đắn đo để diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc và cuốn hút; nay - lại lo lắng sao cho tác phẩm báo chí không mất đi sự tươi mới, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống. Đặc biệt là đối mặt với những cái xấu còn tồn tại, phải dũng mãnh đương đầu, thể hiện bản lĩnh, sức chiến đấu của người chiến sĩ làm báo chuyên nghiệp, từng trải.

Vào “vị trí chiến đấu”

Làm phóng viên thì phải “phóng” theo các sự kiện.Khu 5 dằng dặc khúc ruột miền Trung”, mảnh đất này “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Giúp dân phòng chống, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu thời bình của LLVT Quân khu 5. Đồng hành cùng người chiến sĩ, mỗi mùa mưa bão, tôi cùng đồng nghiệp luôn chuẩn bị chu đáo máy ảnh, máy quay phim trong tư thế sẵn sàng lên đường.

Tháng 11-1999, trận lũ kinh hoàng đổ xuống miền Trung; “Ông xã” đang đi công tác xa, nhà trẻ đóng cửa, đành gửi con bên nhà hàng xóm nhờ trông hộ, lội bộ đến cơ quan, vừa kịp xáp vào đội hình Quân y Quân khu ứng cứu đồng bào bão lụt. Năm 2011, mải tác nghiệp tại vùng rốn lũ Quảng Nam, một tấm tôn bay sượt qua tóc, mỗi lần nhớ lại còn… nổi da gà. Cuối năm 2020, sạt lở núi vùi lấp 15 hộ dân, 22 người chết và mất tích xảy ra ở nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), có mặt ở hiện trường, tận mắt chứng kiến nỗi tang thương của đồng bào, vẫn phải gạt nước mắt mà tác nghiệp. Bao lần mưa quất rát mặt, người ướt như chuột lột không lo, cứ canh cánh che chắn cho máy móc, mong sao cuộn phim trong máy không bị ẩm. Dù cho khả năng bơi còn hạn chế vẫn xung phong xuống ca-nô vượt dòng nước lũ hung hãn, đục ngàu. Vừa quan sát, cảm nhận, ghi hình, phỏng vấn, tham gia cùng đoàn cứu trợ phát mì tôm, áo quần cho bà con vùng bị nạn, vừa hình thành trong đầu ý tưởng bài viết để sớm “ra lò” tác phẩm báo chí sinh động, bảo đảm tính thời sự.

Còn trên trận tuyến chống “giặc lửa”, đồng hành cùng các cánh quân chữa cháy rừng thì cổ họng luôn khô khát, đôi chân cơ động mỏi rã rời. Phản ánh không khí luyện quân trước ngày khai hỏa diễn tập bắn đạn thật, mải lội dọc ngang trường bắn, các ụ súng, giao thông hào, lúc về soi gương nước da hệt… Bao Công, chỉ có mỗi hàm răng là trắng.

Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thể hiện tinh thần của một “chiến binh”, tôi cùng đồng đội có mặt tại các Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, các Bệnh viện Quân y, Đội Y học dự phòng Quân khu 5, các khu cách ly y tế tập trung của Trường Quân sự Quân khu 5, Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, kết nối với đội ngũ cộng tác viên ở sơ sở để có ngồn ngộn, phong phú hàng loạt tin bài, phóng sự chân thực, xúc động nhất về những thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch, hay đang tuần tra trên biên giới, các đường mòn, lối mở, kiểm soát xuất, nhập cảnh…Tác nghiệp ở những nơi nguy cơ cao, có đồng nghiệp trong làng báo đã lây nhiễm dịch, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhụt chí, từ nan.

Yêu hơn nghề báo

Báo chí là nghề vất vả, nặng nhọc, nhất là với phụ nữ. Đã không ít tờ báo ngại ngần nhận phóng viên nữ vào tòa soạn. Thế nhưng đội ngũ nữ phóng viên lại có lợi thế mà không phải đồng nghiệp nam nào cũng có được, đó là lòng trắc ẩn. Phản ánh các hoạt động của LLVT, những “bút nữ” chúng tôi không chỉ khắc họa hình ảnh người lính bên cây súng, trong chiến hào, trên trận địa mà ẩn bên trong là trái tim nhân hậu, thủy chung dành cho hậu phương, người thân, gia đình, đồng đội, nhân dân, là phẩm chất “biết hy sinh nên chẳng nhiều lời”, từ đó giúp người đọc hiểu hơn, trân trọng và yêu mến, gần gũi hơn với Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống hôm nay.

Là một chiến sĩ cầm bút, với tôi mỗi chuyến đi, mỗi bài báo là một cuộc chiến đấu thầm lặng, với hoàn cảnh, với chính bản thân mình, để ngòi bút luôn trung thực, sắc sảo, xứng đáng với sự yêu mến, tin cậy của công chúng. Để mỗi sớm mai, đón trang báo mới, chiêm ngưỡng những đứa con tinh thần của mình phơi phới sức sống, đón nhận những dòng tin nhắn, những cuộc điện thoại hồi âm từ bạn đọc lại thấy trái tim như nở hoa, tin yêu hơn cuộc sống, yêu hơn cái nghề cầm bút gian khổ, vinh quang mà mình là lựa chọn và nguyện gắn bó suốt đời.

Ngọc Diệp