Báo tháng 9 - Theo cuốn "Giải phẫu an ninh quốc gia tối mật" xuất bản ở Mỹ, thời kỳ chiến tranh Lạnh, có đến 85% nhân viên tình báo Mỹ hoạt động tại các trạm bắt chặn vô tuyến, quan sát vệ tinh, nghe trộm... Các hoạt động theo dõi quân đội Liên Xô tương đối đơn giản vì người Mỹ đã biết quá rõ trình tự hoạt động, cơ chế chỉ huy và quản lý, các cấp ra quyết định của người Nga. Các cơ quan an ninh Mỹ đã quá thành thạo trong việc bắt chặn và giải mật các tin tình báo của an ninh Xô-viết.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, theo thói quen, các tình báo viên Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng các phương pháp hoạt động cũ. Ngay từ năm 1998, Giám đốc CIA George Tenet đã cảnh báo: "Chúng ta từng đánh đổ một con rồng trong một cuộc chiến kéo dài 45 năm. Sau thắng lợi đó, chúng ta bỗng phát hiện thấy mình đang sa vào một khu rừng rậm đầy rẫy rắn rết và các côn trùng độc chết người. Chiến đấu với hàng trăm con rắn rết cực độc thì khó khăn hơn nhiều so với cuộc chiến chỉ với một con rồng".

Còn theo Giám đốc Cục An ninh quốc gia Mỹ, trước đây, khi Mỹ bắt đầu xây dựng các quy tắc đối đấu với Liên Xô, ở Mỹ có 5.000 máy tính không nối mạng với nhau, không có một máy fax, không một điện thoại di động. Còn hiện nay ở Mỹ có 180.000.000 máy tính mà đa số liên kết với các mạng thông tin toàn cầu; 14.000.000 máy fax và 40.000.000 máy điện thoại di động. Trên thế giới đang không ngừng gia tăng các cuộc đàm thoại.

Công nghệ hiện đại cho phép bọn khủng bố được sử dụng mạng truyền thông linh hoạt và tin cậy. Vô vàn các cuộc hội thảo, các cuộc chat trên mạng Internet là môi trường lý tưởng để phát đi các thông điệp và mệnh lệnh bí mật. Công nghệ hiện đại cho phép phổ biến cả bản đồ và ảnh ở trên mạng. Phương pháp truyền ảnh bí mật cũng được sử dụng. Ít nhất có 140 công cụ để truyền ảnh bí mật được lưu hành trên mạng Internet.

Sự kiện 11-9-2001 đã chứng tỏ tình báo Mỹ đang đứng trước nhu cầu vô cùng khẩn thiết trong hoạt động xử lý và phân tích tin. Ngay cả các cơ quan khác nhau trong Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng không có khả năng kết nối 2 chi tiết của 1 bức tranh. Các điệp viên của FBI từng thông báo về những người Ả-rập khả nghi đang huấn luyện tại một trường đào tạo không quân, nhưng báo cáo của họ không đến được với các nhân viên của FBI.

Không chỉ chưa được chuẩn bị về mặt kĩ thuật, các cơ quan tình báo Mỹ cũng không có đủ số lượng người cần thiết thông thạo tiếng Ả-rập và các thứ tiếng khác mà bọn khủng bố thường dùng. Đây là khó khăn tồn tại từ lâu. Đầu những năm 1990, khi Mỹ tiến hành chiến dịch "Gìn giữ hoà bình" ở Haiti, mới vỡ lẽ trong Cục An ninh quốc gia chỉ có một nhân viên biết nói tiếng Haiti lơ lớ giọng Pháp. Trong khi đó ở Mỹ có hàng triệu người Mỹ gốc Haiti.

Như vậy, một trong những nguyên nhân làm cho bọn khủng bố thành công trong vụ tiến công khủng bố 11-9-2001 và một số hoạt động khác của chúng chính là sự phát triển mạnh mẽ công nghệ truyền thông và công nghệ thông tin. Các cơ quan an ninh đã không có được khả năng bắt chặn tất cả các bản tin và thông báo của các thành viên trong các tổ chức khủng bố, không thể phân loại, giải mã và phân tích chúng.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng sự bất lực của các cơ quan an ninh trong việc giám sát trao đổi thông tin cũng có mặt tốt của nó. Đó là, xã hội trở nên cởi mở hơn, điều đó, đến lượt nó sẽ dẫn đến việc triệt tiêu các phần tử khủng bố.

Nguyên Phong