Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo tại miền nam nước Pháp, năm 1967, André Marcel tốt nghiệp ĐH Sư phạm thành phố Montpellier. Một năm sau, ông sang Việt Nam dạy học tại Đà Nẵng (Trường Blaise Pascal) theo chương trình hợp tác văn hóa giữa chính phủ Pháp và chính quyền Việt Nam cộng hòa.

Năm 1969, ông chuyển vào dạy học tại trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn. Đến từ một nước hòa bình, André đau lòng khi phải chứng kiến người dân ngã xuống dưới họng súng quân Mỹ. "Tôi không thể chịu nổi. Nếu là một con người, một thầy giáo thì không ai có thể chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để đóng góp vào việc ngăn chặn sự tiêu diệt một đất nước", André cho hay.

Tháng 7/1970, ông cùng người bạn đồng hương Jean Pierre Debris treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trước hạ nghị viện của Việt Nam cộng hòa (nay là Nhà hát lớn) và rải truyền đơn đòi Mỹ và quân đồng minh rút quân khỏi Việt Nam.

André tâm sự, lúc ấy ông không biết cộng sản, chính trị là gì, chỉ biết muốn một đất nước có được quyền tự quyết, quân đội nước ngoài phải rút về nước, để hòa bình thực sự có ở miền Nam Việt Nam. Ông và bạn đã treo cờ để tỏ lòng yêu chuộng hòa bình. Vì hành động này, André bị bắt giam và ngồi tù hai năm rưỡi tại trung tâm cải huấn Chí Hòa.

Những ngày tháng ở nhà lao Chí Hòa, André và những người bạn bị cho là ngoan cố bởi không chịu cúi đầu, không chịu chào cờ của Việt Nam Cộng hòa, chỉ hát bài hát giải phóng. "Ở tù tôi được đào tạo ý thức chính trị. Các anh em vẫn báo cáo tình hình hoạt động của phong trào cách mạng, vẫn có chi bộ Đảng. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, anh em trong tù đã làm lễ tưởng niệm mặc dù bị đàn áp", André kể.

Nhắc đến người bạn tù là thầy giáo dạy tiếng Anh đã đặt cho mình cái tên Hồ Cương Quyết, André chảy nước mắt. Ông nghẹn ngào kể, người bạn tù gặp André và Jean Pierre Debris trong nhà lao đã tặng cho hai người tên Hồ Cương Quyết và Hồ Tất Thắng, có nghĩa Quyết Thắng. Lúc đầu ông không nhận bởi không dám mang họ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng được động viên, ông hứa sau này có cơ hội được mang quốc tịch Việt Nam sẽ lấy tên này.

André được trả tự do và bị trục xuất khỏi Việt Nam vào ngày 1/1/1973, 27 ngày trước khi hiệp định Paris được ký kết. Tuy nhiên, ông đã bí mật lấy danh sách tù nhân chính trị đang bị giam giữ tại Côn Đảo, Chí Hòa, Tân Hiệp và Phú Quốc và gửi cho bà Phạm Thị Minh (phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) để giúp bác bỏ luận điệu của phái đoàn Việt Nam cộng hòa và Mỹ rằng không có tù nhân chính trị tại miền Nam Việt Nam.

Cùng với bạn tù Jean Pierre Debris, André đã viết cuốn sách "Vượt qua nhà ngục Sài Gòn, chúng tôi tố cáo" được in mấy trăm nghìn cuốn và dịch sang 7 ngôn ngữ. Với những cống hiến cho Việt Nam, năm 2002, ông được công nhận là công dân danh dự TP HCM. Cũng trong năm này, ông thành lập Hiệp hội hữu nghị phát triển và trao đổi sư phạm Pháp Việt (ADEP) và giữ cương vị chủ tịch.

André là nhân vật chính trong hai bộ phim tài liệu được thực hiện tại Việt Nam "Ông Tây Việt cộng" và "André Menras, một người Việt". Ông cũng viết kịch bản và là đạo diễn bộ phim tài liệu "Hoàng Sa Việt Nam, nỗi đau mất mát" thực hiện năm 2011, được dịch sang 5 ngôn ngữ.

Năm 2009, André Marcel là người nước ngoài đầu tiên được công nhận quốc tịch Việt Nam do nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao. "Anh là người bạn của chúng tôi trong phong trào thanh niên học sinh thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Anh đã đóng góp rất tích cực trong phong trào đấu tranh, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau ngày hòa bình lập lại, bạn bè tôn vinh, thương mến anh và đề nghị trao quốc tịch Việt Nam cho anh", nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho hay.

Mỗi lần đến Việt Nam, Hồ Cương Quyết thường đến nghĩa trang TP HCM thăm và thắp hương cho người bạn tù, người đã đặt tên cho ông. Ông hứa với vong linh của anh và tự hứa với lòng mình không bao giờ vô cảm trước con người.

Theo Vnexpress (TH)