Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Xệ-Phó chủ tịch Hội CCB huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đến viếng đền thờ Bác ở xã Châu Thới. Dù đã nhiều năm, nhưng đối với anh Nguyễn Đăng Khoa, nguyên là Đội trưởng Đội bảo vệ đền thờ Bác, từng quyết tử để bảo vệ đền thì anh vẫn luôn nhớ mãi những ngày cùng đồng đội đi nhặt những trái pháo lép của địch, lấy những trái lựu đạn mang về chế tạo lại để dùng làm “chướng ngại vật” chặn giặc phá đền thờ Bác. Sau ngày giải phóng, anh Khoa tiếp tục làm công việc bảo vệ chăm sóc đền thờ Bác đến nay. Đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân địa phương, ngày 6-9-1969, Huyện ủy Vĩnh Lợi chọn nhà của ông Nguyễn Văn Tên ở ấp Bà Chăng, xã Châu Thới làm Lễ truy điệu Bác. Từ ngày đó, nơi này được chọn làm nơi để bà con nhang khói cho Bác. “Ngôi đền lúc ấy chỉ hơn 18m2 nhưng là cả một sự nỗ lực của bà con Châu Thới, trải qua bao đợt dội bom, bắn phá, đi càn của giặc. Giặc phá, quân dân Châu Thới xây lại... để có nơi thờ phụng Bác. Năm 1972, Đền thờ Bác Hồ được khởi công xây dựng lại trên nền đất cách vị trí cũ chừng 300m. Ngày 19-5-1972, lễ khánh thành Đền thờ Bác Hồ được tổ chức đơn sơ, thành kính. Năm 1998, Đền thờ Bác Hồ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia”.
Mấy mươi năm qua, Đền thờ Bác ở Châu Thới vẫn là nơi tôn kính; trở thành khu di tích lịch sử, văn hoá có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng gắn liền với cuộc sống của người dân Bạc Liêu. Từ ý tưởng của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu-Võ Văn Dũng trong “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư” năm 2014 về việc thành lập một Tổ thắp hương Đền thờ Bác mỗi ngày, thế là CLB Thắp hương Bác Hồ nhanh chóng ra đời với sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả CCB ấp Bà Chăng A. Câu lạc bộ lúc đầu có 36 thành viên là hội viên của Chi hội CCB ấp Bà Chăng A do anh Khưu Tam Phước-Chi hội trưởng làm Chủ nhiệm và anh Nguyễn Đăng Khoa làm Phó chủ nhiệm. Tính đến nay đã có trên 1.600 lượt hội viên thắp hương tại Đền thờ Bác. Có những chi tiết ngoài sổ ghi chép mà ông Chủ nhiệm CLB kể trong niềm xúc động: “Nhiều CCB trên 80 tuổi vẫn lội bộ hơn cây số để đến thắp hương đúng giờ. Không ai thờ ơ với nhiệm vụ, cũng không ai xem đó là một công việc bắt buộc mà hoàn toàn đều theo tinh thần tự nguyện, tự giác với một tình cảm nồng ấm nhất dành cho Bác Hồ kính yêu”.
Sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay Châu Thới đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”. Anh Nguyễn Văn Nghĩa-Chủ tịch Hội CCB xã Châu Thới dẫn chúng tôi đi dọc theo con kinh nhỏ rồi chỉ vào cây cầu bê tông xây dựng xong hơn hai năm nói: Đây là cây cầu bê tông do CCB Khưu Tam Phước (Ba Phước) xây dựng kính dâng Bác. Còn ông Ba Phước chia sẻ: “Đến ngày sinh nhật Bác (19-5-2013) mà tôi không biết làm gì để kính dâng Người. Thấy bà con hai bên con kinh đi lại khó khăn nên tôi bỏ tiền xây cầu. Mình có chút đỉnh thì san sẻ với bà con. Bác Hồ cũng đã dạy vậy mà”. Cây cầu trị giá gần 40 triệu đồng không chỉ giúp mọi người đi lại dễ dàng, trẻ em đến trường thuận tiện mà hơn cả là tấm lòng của người CCB hướng về Bác.
Ông Trần Trung Trực, người dân ấp Bà Chăng A (Châu Thới) cho biết: “Từ khi thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, rồi sau đó là XDNTM, bộ mặt nông thôn ở đây đổi thay rất nhiều. Các tiêu chí trong XDNTM được người dân thực hiện tốt. Nhìn thấy xã mình ngày một đổi mới, được đi lại trên những con lộ khang trang, người dân phấn khởi lắm!”. Theo ông Ký Trọng Nghĩa-Chủ tịch UBND xã Châu Thới cho biết: Nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 20,77%, thì nay có 519 hộ giàu (20,1%), 756 hộ khá (24,9%), có 1.560 hộ trung bình (51,5%) và còn 107 hộ nghèo (2,8%); chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, cơ quan, trường, trạm đạt chuẩn văn hóa được quan tâm, thu nhập bình quân gần 30 triệu/người/năm.
Với sự đồng thuận và chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và người dân, tin rằng, Châu Thới anh hùng sẽ ngày càng phát triển nông thôn mới bền vững.
Bài và ảnh: Phương Anh