Đồng chí Trần Tử Bình (bên phải) và đồng chí Tôn Đức Thắng tại Việt Bắc, năm 1951.

Vốn quê là một vùng Công giáo xứ Thanh, nhưng vào đầu thế kỷ XX, vì mưu sinh, vợ chồng Phêrô Phạm Văn Cống và Maria Nguyễn Thị Quế trôi dạt ra thôn Đông Chuối, Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm 1907, ông bà sinh hạ con trai Phạm Văn Phu. Tại nhà thờ nhỏ ở giáo phận Tiêu Động Thượng, cậu Phu được đặt tên Thánh Phêrô. Vốn tư chất thông minh, lên dăm bảy tuổi, đi chăn trâu thuê, chỉ học lỏm ngoài lớp học đầu làng, mà Phu đã biết chữ.

Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Vì nhà nghèo, Phêrô Phạm Văn Cống đăng lính và được điều sang châu Âu. Làm lính thợ nên ông dành dụm được một chút lương gửi về cho gia đình; nhờ đó bà Quế có cái lo cho các con ăn học và lo lót cho cậu Phu được theo hầu các cha, được học Kinh thánh… Lớn lên một chút, Phêrô Phạm Văn Phu được vào học ở Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên (thuộc địa phận Thường Tín, Hà Đông). Vốn thông minh lại hiếu học, sau mỗi buổi học ở lớp, Phạm Văn Phu còn vận động bạn bè cùng học tập võ và sinh hoạt ngoại khóa, đọc sách… Khi chí sĩ Phan Chu Trinh - một nhà yêu nước chủ trương chấn hưng văn hóa dân tộc để chống lại văn hóa Âu châu, từ trần. Học sinh, sinh viên cả nước dấy lên phong trào để tang Phan Chu Trinh. Tại giáo phận Hoàng Nguyên, với tư tưởng mẫn cảm chính trị, Phạm Văn Phu bí mật vận động chúng sinh ở chủng viện hưởng ứng. Vụ việc đến tai giám thị và Phạm Văn Phu bị đuổi học.

Đối với gia đình giáo dân, con cái được đi học trường dòng là niềm vinh dự, tự hào; nhưng bị đuổi học lại là một nỗi nhục khó gột rửa! Sau khi bị đuổi học, Phạm Văn Phu phải đi dạy học thuê, cho đám trẻ ở trong vùng để kiếm sống. Trong tình cảnh gần như bế tắc, thì Phạm Văn Phu gặp được nhà cách mạng Tống Văn Trân và được ông khuyến khích vào Nam Kỳ tìm việc, tìm cơ hội tham gia các phong trào yêu nước…

Từ thủ lĩnh “Phú Riềng Đỏ” đến “trường học Côn Đảo”

Quyết theo đuổi chí hướng mà đồng chí Tống Văn Trân khuyến khích, năm 1927, Phạm Văn Phu ký hợp đồng vào làm phu đồn điền cao su Phú Riềng. Tại đây, các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Xuân Cừ đã giáo dục, đem đến cho ông luồng tư tưởng mới, cộng với sự rèn luyện thực tế trong phong trào đấu tranh của công nhân, ông sớm được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng. Tháng 10-1929, Chi bộ Đông Dương Công sản đảng Phú Riềng được thành lập; ông là 1 trong 6 đảng viên của chi bộ. Tham gia cách mạng, ông lấy tên là Trần Tử Bình (nghĩa là sống phong trần lãng tử, dám xả thân vì chính nghĩa, vì sự bình đẳng). Vừa vào Đảng, cuối năm 1929, ông được bầu làm Bí thư chi bộ. Từ đây tên gọi Trần Tử Bình được ghi vào lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ lãnh đạo công nhân đoàn kết cưu mang đùm bọc lẫn nhau với các tổ chức ái hữu như Hội đồng hương, nhóm phu Công giáo…, đầu năm 1930, Chi bộ Đảng đồn điền Phú Riềng do Trần Tử Bình làm Bí thư đã lãnh đạo hơn 5.000 công nhân đấu tranh với chủ, đòi quyền sống, đã làm nên một “Phú Riềng Đỏ” gây tiếng vang lớn. Kẻ thù căm tức, săn lùng những người cầm đầu, Trần Tử Bình bị bắt, bị kết án 10 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Cùng với kết án Trần Tử Bình, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ lập tức thông báo cho nhà thờ giáo xứ Tiêu Động Thượng rút phép Thông công gia đình Phạm Văn Cống, buộc gia đình ông một lần nữa phải bỏ quê mới, tha phương cầu thực.

Biến nhà tù thành trường học cách mạng, Trần Tử Bình đã cùng các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương… tiếp tục học tập lý luận cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh giữ vững khí tiết chiến sĩ cộng sản. Năm 1936, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền ở Pháp; thực dân Pháp ở Việt Nam phải thả hàng nghìn tù chính trị. Trần Tử Bình trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám, vào Quân đội, được phong Tướng đợt đầu tiên

Sau khi ra tù, về quê, Trần Tử Bình tiếp tục bí mật hoạt động với vỏ bọc “thầy ký” ở huyện Bình Lục; lần lượt giữ các chức vụ Bí thư chi bộ đến Bí thư Huyện ủy Bình Lục.

Cuối năm 1939, Trần Tử Bình tiếp quản nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam trong bối cảnh vô cùng khó khăn, nhưng đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh đưa phong trào cách mạng địa phương có chuyển biến tích cực. Từ đó, ông được Trung ương bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ, giao trực tiếp phụ trách liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình), rồi phụ trách liên tỉnh D (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang).

Ngày 24-12-1943 Trần Tử Bình bị địch bắt ở Thái Bình, đưa về Hà Nam giam giữ. Đầu năm 1944, sau một cuộc vượt ngục không thành, ông bị Pháp chuyển về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Tại đây, ông được các đảng viên bạn tù bầu làm Trưởng ban sinh hoạt để tổ chức các hoạt động của tù chính trị. Ngày 11-3-1945, lợi dụng sư hở của nhà tù, ông cùng một số tù chính trị đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục nổi tiếng theo đường cống ngầm cho gần 100 tù chính trị; cung cấp nguồn cán bộ quan trọng cho Đảng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Trước thềm Cách mạng Tháng Tám, Trần Tử Bình được T.Ư Đảng phân công chỉ đạo xây dựng Chiến khu Quang Trung (Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa). Thời gian phụ trách chiến khu Quang Trung, có một sư kiện Trần Tư Bình thực hiện gắn với Công giáo: Biết Cha cố Lê Hữu Từ (thuộc dòng tu khổ hạnh Châu Sơn, tại nhà thờ Nho Quan, Ninh Bình), có tinh thần yêu nước, ghét thực dân Pháp, Trần Tử Bình đã tìm gặp, trò chuyện. Thấu hiểu người cán bộ cách mạng xuất thân từ con chiên, Cha Lê Hữu Từ đã đồng ý huy động Tự vệ đoàn tham gia Cách mạng Tháng Tám.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, với cương vị Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Trần Tử Bình  trực tiếp lãnh đạo Tổng khỏi nghĩa ở Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám thành công, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Tử Bình chuyển sang một giai đoạn mới - ông tham gia Quân đội. Tháng 9-1945, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc - Chính trị ủy viên Trường Quân chính Việt Nam; tháng 5-1946, làm Phó Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1947, ông được đề bạt làm Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ chính trị.

Cuối năm 1947, Pháp tập trung quân đánh lên Việt Bắc, hòng “cất vó” cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Đồng chí Trần Tử Bình và đồng chí Lê Thiết Hùng được phân công trực tiếp chỉ huy chiến dịch Sông Lô, giành thắng lợi.

Sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông 1947, từ ngày 17 đến 19-1-1048, Thường vụ Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ họp bàn việc phong quân hàm cấp Tướng cho một số cán bộ quân đội. Thực hiện kết luận cuộc họp, từ ngày 20 đến 25-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình và phong quân hàm Thiếu tướng cho 9 đồng chí; trong đó có Sắc lệnh số 112/SL-CTN phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Trần Tử Bình.

Ngày 28-1-1948, tại Tỉn Keo, xã Lục Rã, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Hội đồng Chính phủ tổ chức trọng thể Lễ tấn phong Tướng cho các tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội ta. Như vậy từ một con chiên, đi theo Đảng, Phạm Văn Phu - Trần Tử Bình đã trở thành 1 trong 9 Thiếu tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam.

Hưng Nguyễn