Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và Trung tướng Khuất Việt Dũng - Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam đón CCB Nguyễn Thế Viên lên Đền Thượng dự Lễ báo công của Hội CCB Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Ông là Nguyễn Thế Viên, sinh năm 1930, quê thôn Ngọc Thành, xã Hùng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 2-1951, hội viên Hội CCB, Chi hội CCB thôn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Thơ Đường huyện Yên Thành và hiện nay vẫn là cộng tác viên tích cực của một số tờ báo tỉnh Nghệ An, với bút danh Trường Sơn.

Ông là CCB xuất sắc tiêu biểu duy nhất của Hội CCB tỉnh Nghệ An, trong Đoàn CCB tiêu biểu của Hội CCB Việt Nam, ngày 12-5-2022 về dâng hương báo công với các Vua Hùng kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tại  Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Thấy ông, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, xúc động, bỏ hết lễ nghi, chạy lại ôm lấy ông như lâu ngày được gặp lại người thân, khiến mọi người bất ngờ… Đồng chí ân cần hỏi chuyện. Và cũng từ đấy, trong suốt buổi lên Đền Thượng dự Lễ báo công, rồi về Đền Giếng thăm nơi Bác Hồ căn dặn bộ đội trước  khi về tiếp quản Thủ đô..., đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và CCB Nguyễn Thế Viên như hình với bóng. Đến đâu, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng mời ông Viên ở vị trí trang trọng nhất của Đoàn, rồi biếu quà ông… - Chúng ta có thể hiểu đó là tình cảm của người lính đi sau, với người lính đi trước; tình cảm của người cán bộ cao cấp của Đảng với người CCB lão thành cách mạng. Tình cảm của người con có ba, má hy sinh trong trận mạc vì nước, vì dân, với người lính đồng tuổi với ba, má mình - đó là biểu tượng của “Cây có gốc, nước có nguồn” - một trong những cốt cách của “Văn hóa Việt”  đã và đang được hun đúc góp phần làm nên “Đảng ta là Đạo đức, là Văn minh”.  

CCB Nguyễn Thế Viên (thứ hai phải sang) trong Lễ báo công của Hội CCB tại Đền Thượng.

CCB Nguyễn Thế Viên có sức khỏe kỳ lạ. Hôm Ban Tổ chức thông báo ông cũng sẽ lên Đền Thượng (địa điểm làm Lễ Báo công), Cục Hậu cần Quân khu 2 đã chuẩn bị một tổ quân y đi theo ông từng bước, mang theo cả võng để sẵn sàng cáng ông. Nhưng đúng như Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An nói vui: “Ai mệt để ông Viên cáng”. Đúng là ông đi băng băng, khỏe hơn thế hệ tuổi 65 chúng tôi.

Đại tá Kiều Gia Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo - Phong trào, Hội CCB tỉnh Phú Thọ - nguyên Trưởng ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh, có gần 20 năm từng liên hệ, trực tiếp dẫn hàng nghìn đoàn khách trong và ngoài nước lên thăm - viếng các Vua Hùng, nhưng đây là lần đầu tiên có vị khách tuổi cao như ông Viên leo bộ lên được hết 495 bậc, đến Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh ở độ cao 175m để dự Lễ Báo công; rồi xuống cũng đi bộ mà sức khỏe vẫn bình thường.

Tìm hiểu thêm mới biết, ông có “một thời quân ngũ” thật sôi nổi, ăm ắp những kỷ niệm vẻ vang không thể nào quên. Tháng 2-1951, ông nhập ngũ vào Sư đoàn 304, tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ, là chiến sĩ viết tin chiến sự của bản tin Sư đoàn. Tháng 2-1953 được kết nạp vào Đảng…

Ông tươi cười nói với tôi: “Nhờ viết tin mà ngày 19-9-1954, tôi may mắn được đi cùng Đại đoàn 308 về Đền Hùng nghe huấn thị của Bác Hồ trước khi đơn vị về tiếp quản Thủ đô. Lại còn được Bác “ưu tiên viết báo” chỉ chỗ cho ngồi bên cạnh Người”. Cũng nhờ “làm báo” mà sau này ông còn được gặp Bác Hồ hai lần nữa.

“Ông còn nhớ lời căn dặn của Bác với Đại đoàn 308 không? - Tôi hỏi”. “Có chứ. Tôi vẫn thuộc làu làu” - nói rồi, ông Viên đọc cho chúng tôi nghe câu nói của Bác Hồ không thừa, thiếu một từ nào. Đến lúc thăm Di tích Đền Giếng, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư “sắp xếp để ông” ngồi sát nơi hơn 50 năm trước Bác Hồ ngồi, rồi mời ông kể lại những kỷ niệm gặp Bác Hồ. Nghe ông kể, rõ từng chi tiết, chúng tôi càng kinh ngạc về trí nhớ của ông. Còn chị Trịnh Thị Ánh Phương - hướng dẫn viên du lịch của Khu Di tích thì tặng quà, cảm ơn ông rối rít về những cứ liệu mới mà ông cung cấp.

Sau khi về tham gia tiếp quản Thủ đô, ông Viên được đơn vị cử đi học lớp báo chí 18 tháng, thuộc Ban Tuyên huấn T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư). Ra trường, ông được điều về Đài tiếng nói Việt Nam; năm 1968, về Thông tấn xã Việt Nam, vào Nam làm báo Quân Giải phóng - trước khi Đoàn phóng viên vào Nam được Bác Hồ đến động viên căn dặn. Năm 1974, ông bị thương, ra miền Bắc điều trị tại Viện Quân y 7; vết thương lành, ông Viên tiếp tục về công tác tại cơ quan chính trị T.Ư Cục miền Nam, năm 1986 về hưu tại quê nhà với quân hàm Đại úy, thương binh hạng 2/4.

Tôi gọi điện hỏi về “Tấm gương CCB Nguyễn Thế Viên”, ông Tạo - Chủ tịch Hội CCB xã Hùng Thành bận chủ trì Đại hội Hội CCB xã, nói gọn: “Ông Viên là CCB rất gương mẫu, nói đi đôi với làm của Hội CCB xã chúng tôi. Hôm nay đồng chí Viên cũng dự Đại hội…”. Còn ông Phạm Ngọc Phương - Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngọc Thành thì nói về thời kỳ ông Viên về hưu: “CCB Nguyễn Thế Viên toàn diện lắm. Về hưu tháng trước, tháng sau ông nhận khoán luôn mấy héc-ta đất hoang vùng lầy, cải tạo thành khu “V.A.C”. Trên vườn trồng cây, dưới ao nuôi cá, nuôi ba ba, nuôi lươn… nổi tiếng, cả vùng đến học tập, làm theo. Sau này tuổi cao, ông bàn giao, hướng dẫn cách làm cho con, cháu. Hiện nay 93 tuổi mà ngày nào ông cũng vẫn đi khoảng 20km bằng chiếc xe máy điện để kiểm tra, hướng dẫn các cháu làm trang trại”.

Tôi gợi hỏi bằng câu vui vui: “Ông ăn gì mà khỏe thế?”. “Lạ lắm - ông Phương nói - chỉ có cơm, cá kho mặn và một món rau. Tôi ở cùng hơn 20 năm nay,  chưa thấy bao giờ ông ấy ốm… Thôi khi nào mời nhà báo về tìm hiểu viết về ông ấy còn nhiều chuyện ly kỳ lắm. Đúng là Bộ đội Cụ Hồ - Mãi mãi là Bộ đội Cụ Hồ”.

Kỳ lạ nữa: Tôi viết xong bài báo, sáng ngày 29-5, gọi điện xin ông thẩm tra lại. Có lẽ ông động viên tôi, nói chân thành: “Chú viết thì chắc chính xác rồi. Chú gửi mail cho tôi nhé… Hay chú đọc luôn tôi nghe”. Tôi đọc…, ông chỉnh lại một chỗ tôi viết ông là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Ông bảo: “Chức đó thôi rồi…” Tôi bảo: “Thế cháu viết là nguyên nhé?”. Ông bảo: “Thôi”, rồi nói: “Tôi cảm ơn chú. Nhiều báo viết về tôi, ở nhiều khía canh. Nhưng bài này chú viết về sức khỏe của tôi là trúng lắm. Ơn trời chú ạ. Nhưng chính là ở mình thường xuyên luyện tập, ăn uống, ngủ, nghỉ điều độ. Báo ta đăng là có lợi cho CCB mình tự rèn luyện giữ sức khỏe lắm”.

Đúng là ông có sức khỏe kỳ lạ. Được CCB Nguyễn Thế Viên cho phép, tôi xin đưa một trong hai số máy điện thoại của ông để bạn đọc quan tâm có thể liên hệ: 0389390166.

Huy Thiêm