Được Chủ tịch Hội CCB phường Giang Biên giới thiệu, chúng tôi đến gặp CCB Nguyễn Văn Thuấn ở tổ 1, phường Giang Biên, quận Long Biên, T.P Hà Nội. Đã 77 tuổi, tóc bạc trắng nhưng dáng vẻ ông Thuấn vẫn linh hoạt, khỏe khoắn.

Ông Thuấn nhập ngũ đầu năm 1966, vào Binh trạm 32, Sư đoàn 472, Đoàn 559. Năm 1972, ông chuyển về Bộ tư lệnh Thủ đô, năm 1989 thì nghỉ hưu với quân hàm Thượng úy. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông xoay đủ nghề từ xay xát gạo rồi chuyển sang đốt lò gạch cho đến mua xe ben, máy xúc, cẩu quay... Bao năm tất tả ngược xuôi, vợ chồng ông làm biết bao nghề mà cũng chỉ đủ ăn.

Đến năm 2013, đọc báo thấy mô hình nuôi cá lồng phát triển, ông nảy ý định nuôi cá lồng ngay trên dòng sông Đuống. Khi ấy, chưa một ai nuôi loại cá tầm ở vùng này. Ông kể: “Cả trăm cái khó nên khi bắt đầu, có lúc tôi đã nản. Nhưng chẳng lẽ lại cam chịu đói nghèo. Nhớ những năm tháng ở Trường Sơn, biết bao gian khổ hy sinh mà vẫn vượt qua; có bao việc tưởng không thể làm được mà vẫn hoàn thành thì bây giờ phải quyết chí làm bằng được”.

Ông đến những hộ nuôi cá lâu năm ở các tỉnh Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình tham quan, học tập kỹ thuật và kinh nghiệm. Với 300 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH, cộng với tiền anh em giúp đỡ, ông Thuấn lại “khởi nghiệp” khi tuổi đã ngoại 70. Bước đầu làm 3 lồng nuôi cá bằng lưới nhựa, khung sắt, mỗi lồng 25m2. Ông đến Công ty Việt Đức, Thác Bạc, Sa Pa mua cá giống, nhập từ Liên bang Nga. Sau một thời gian, thấy hiệu quả, ông tiếp tục tăng thêm 450 triệu vốn đầu tư nuôi cá.

Trang trại chăn nuôi cá của ông có 15 lồng, mỗi lồng 500 con (ảnh). Sau nhiều tháng ngày lăn lộn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đàn cá lớn rất nhanh, mỗi con nặng 4 đến 5kg. Cá nuôi trên dòng chảy như cá nguồn tự nhiên, thịt chắc, thơm ngon, mỗi năm thu hoạch được 1 tấn, thu lãi 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

CCB Nguyễn Văn Thuấn được cấp trên tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và chọn đi báo cáo điển hình làm kinh tế giỏi ở quận Long Biên.

Đào Quang Trí