Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong dịp Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam đã vào giai đoạn cuối; tháng 6-1968, anh thanh niên Cao Văn Hậu tạm biệt quê hương Anh Sơn (Nghệ An) lên đường nhập ngũ. Anh được bổ sung cho mặt trận Quảng Nam, Quảng Ngãi thuộc tiểu đoàn vệ binh, trinh sát, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trong một trận chiến đấu vào cuối năm 1968, Cao Văn Hậu bị bom bi găm vào cột sống, phải chuyển theo đường giao liên ra Bắc để gắp ra. Hai năm sau, anh chuyển về đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn công binh 229 mở đường ở phía tây Quảng Trị, chuẩn bị cho chiến dịch 1972. Anh tâm sự: Thời kỳ này, bộ đội ta thường đào lỗ chôn bộc phá theo hướng vuông góc với mặt đất, khi ở sườn đồi, sườn núi, có độ dốc cao cũng đào vuông góc nên không phát huy hết khả năng của thuốc nổ. Là tiểu đội phó, tôi nghiên cứu rồi đề xuất ở địa hình nào cũng đào lỗ theo phương thẳng đứng, như vậy uy lực sẽ mạnh hơn, sức công phá lớn, đơn vị đã vận dụng và đạt hiệu suất cao hơn. Ở những đoạn quốc lộ cũ, địch rải nhiều bom mìn để ngăn chặn ta đi qua. Đại đội có phong trào phát huy sáng kiến dò gỡ mìn. Tôi vào rừng chọn những cây có móc ngược chặt buộc thành từng chùm với một chiếc dây dài. Khi ra hiện trường chúng tôi vất thật xa rồi kéo lại gần nếu có mìn vướng thì sẽ nổ ngay. Nếu là mìn chống bộ binh thì phải kết hợp quan sát bằng mắt thường với tay tìm và thuốn. Cứ như vậy, chúng tôi gương mẫu làm trước cho anh em lính mới làm theo…

Cao Văn Hậu bị thương lần thứ 2 vào cuối tháng 4-1972, khi trung đội anh dẫn đường cho một đơn vị xe tăng vào đánh căn cứ Ái Tử (Quảng Trị), nhưng đến cao điểm 46 thì trời sáng. Ta và địch nhìn thấy nhau rất rõ nên phải tạm thời dạt vào hai bên đường ngụy trang chờ lệnh. Bất ngờ một loạt bom của địch thả xuống, đội hình tiến công của ta có 3 người hi sinh và 12 người bị thương, trong đó có Cao Văn Hậu. Anh bị sức ép, máu chảy ra hai lỗ tai, khó thở do tức ngực, mắt hoa lên không nhìn rõ. Trung đội trưởng định cho Hậu về phía sau nhưng anh là người duy nhất đi trinh sát hướng này, do vậy anh lại ngồi lên xe tăng tiếp tục hành tiến. Nhưng trên chiếc xe này pháo thủ số 2 đã hi sinh. Pháo thủ số 2 có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu qua kính xe tăng, lắp đạn vào pháo và sử dụng khẩu 12,7 ly trên nóc. Thế là Cao Văn Hậu vừa làm chiến sĩ công binh dẫn đường, vừa làm pháo thủ số 2 cùng đơn vị chiến đấu, tiêu diệt địch và làm chủ căn cứ Ái Tử.

Ngày 7-7-1972, đại đội 4 công binh được lệnh trực thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 vào chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị với các nhiệm vụ xây dựng công sự trận địa chiến đấu tại khu vực nhà thờ Tri Bưu; bố trí bom mìn vật cản ngăn chặn hướng tiến công của xe tăng và bộ binh địch; tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh và cùng bộ binh chiến đấu. Đến ngày 16-9-1972 quân ta được lệnh rút khỏi Thành cổ, kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, thì trung đội phó Cao Văn Hậu cùng đại đội chốt giữ được 69 ngày. Anh đã chiến đấu nhiều trận, cứu chữa kịp thời và dùng thân thể mình che chở cho 7 thương binh và bị thương thêm 2 lần nữa do bom đánh sập hầm, máu lại trào ra hai tai và mũi, bị đạn vào ống chân trái, mảnh đạn pháo cắm vào gáy và thái dương… Có trận thấy địch bò vào định cắm cờ lên Thành cổ, anh động viên anh em bình tĩnh để chúng lại gần rồi đồng loạt ném lựu đạn và xung phong, khiến 4 tên địch bị tiêu diệt và bị thương, 2 tên bị bắt sống. Cũng trong 69 ngày đêm chiến đấu, đại đội 4 ban đầu có gần 90 cán bộ, chiến sĩ, sau chỉ còn 12 tay súng, bổ sung đợt 2 được hơn 30 chiến sĩ, khi ra ngoài Thành cổ chỉ còn 22 người.

Cao Văn Hậu, thương binh 1/4 được tuyên dương Anh hùng LLVTND tháng 9-1973. Sau đó anh được cử đi đào tạo tại Trường sĩ quan Công binh ở trong nước và Trường Chỉ huy tham mưu kỹ thuật công binh ở Liên Xô. Về nước, anh giữ cương vị Lữ đoàn phó Lữ đoàn công binh 279, Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 293, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn công binh 229 (đơn vị cũ của anh), rồi Phó ban ATK Bộ Tham mưu, Binh chủng Công binh, nghỉ hưu tháng 1-2008. Anh vẫn thường kể với con cháu trong nhà rằng có qua chiến đấu gian khổ thì mới có vinh dự hôm nay.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm