Nhiều nhà khoa học đồng tình xây dựng một đê bao khép kín quanh TP.HCM với 12 cống lớn (đóng mở khi triều lên) dọc các cửa sông để làm giải pháp căn cơ chống triều cường tại TP.HCM.

Tổng vốn đầu tư dự án này dự kiến 11.000 tỉ đồng. Cùng với các dự án chống ngập do mưa đang triển khai như dự án vệ sinh môi trường, dự án cải thiện môi trường nước, dự án đê bao khép kín sẽ giúp TP chống ngập bền vững. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học băn khoăn vì chưa có các quy chuẩn xây dựng cho những công trình quy mô như thế này.

Tiến sĩ Lê Phu, Hội Thủy lợi TP, cho rằng ngoài yếu tố mưa, triều, lũ thì công tác quản lý yếu kém là nguyên nhân chủ yếu gây ngập cho TP.HCM mà dẫn chứng thuyết phục nhất là để xảy ra tình trạng san lấp tràn lan.

Còn tiến sĩ Phạm Văn Long cảnh báo: “Nếu không nhận thức một cách đầy đủ về việc quản lý yếu kém, dù chúng ta có tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng thì hiệu quả chống ngập không như mong muốn”.

Trong khi đó, việc triển khai hàng loạt cống kiểm soát triều và luôn giữ mực nước dưới sông, kênh rạch trong nội ô TP từ +0,6 đến 1m sẽ tạo ra nguy cơ gây ách tắc giao thông thủy. Chưa kể nhiều chuyến tàu vận tải lớn, tàu vận chuyển hành khách... sẽ lưu thông hết sức khó khăn vì bị đê bao khép kín cản trở. Đặc biệt, TP.HCM đang có chủ trương phát triển tàu buýt trên sông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Phạm Thế Vinh - phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - cho biết nếu thực hiện đê bao khép kín chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông thủy.

Theo quyết định của Chính phủ, ngoài việc nạo vét các kênh rạch trong quá trình làm đê bao khép kín còn xây dựng năm âu thuyền tại các cửa đập ngăn nước (thiết bị vận chuyển tàu bè từ bên ngoài đê vào bên trong đê).

Hoàng Linh (TH)