Có thể nói, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK 1 (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - nơi “đầu sóng ngọn gió”, biên cương xa xôi nhất của cả nước. Mọi người dân Việt Nam đều mong mỏi có dịp được đến với Trường Sa và DK 1 để chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần và tri ân những người con ưu tú đã và đang sống, chiến đấu, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam ở nơi này.

Tháng Tư vừa rồi, tôi vinh dự được cùng tham gia Đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa-thể thao và du lịch đến thăm và làm việc tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 trên tàu HQ 936. Xuất phát từ quân cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và trở về tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) sau đúng 10 ngày lênh đênh trên biển với sóng lừng, với gió, với mưa, chúng tôi đã đi qua tuyến đảo của ta từ Bắc đến Nam với Đá Lớn, Sơn Ca, Đá Đông, Đá Lát, Đá Thị, Đá Tây, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn…; được tận mắt chứng kiến cuộc sống, lao động và sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Trường Sa và nhà giàn DK 1. Kỷ niệm không thể nào quên, ấy là khi chúng tôi được viếng hai Nghĩa trang liệt sĩ trên biển, nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam mà trong lòng mỗi chúng tôi , nơi ấy là Nghĩa trang Đỏ, đỏ nghĩa, đỏ tình. Thiêng liêng biết bao, cảm động biết bao. Lòng người như hòa cùng lòng biển…

Nghĩa trang Đỏ thứ nhất ngay giáp đảo Cô lin của huyện đảo Trường Sa. Khác với những ngày trước đầy sôi động trên tàu và đến với các đảo, buổi sớm hôm ấy, khi tàu vừa rời đảo Cô lin, các thành viên trong Đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ 936 đã ăn mặc chỉnh tề và tích cực chuẩn bị cho lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của chúng ta đã hy sinh anh dũng trên vùng biển này.

Không một nấm mộ nào, nhưng Nghĩa trang Đỏ Trường Sa đã đi vào từng trái tim, dòng máu của mỗi người dân Việt Nam. Ngày ấy, ngày 14-3-1988 cách đây hơn 23 năm, chính tại nơi này, cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ 605, HQ 505, HQ 604 đã chiến đấu ngoan cường trước quân xâm lược có hỏa lực và quân số đông gấp bội…64 người con thân yêu của đất nước đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Thiếu úy thuyền trưởng Trần Văn Phương đã anh dũng chỉ huy bộ đội chiến đấu đến cùng, khi bị địch bắn tử thương đã cuộn chặt lá cờ đỏ sao vàng vào người và động viên đồng đội “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Người con ưu tú của quê hương Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình ấy hy sinh khi mới 23 tuổi, đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1989. Cùng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND còn có Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (sinh năm 1944, quê xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình) và Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ (sinh năm 1957, quê xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), đã anh dũng chỉ huy các chiến sĩ trên tàu HQ 604 thà hy sinh chứ nhất quyết không rời tàu, rời đảo, dùng các loại súng bộ binh chống lại mưa pháo của địch, buộc địch phải tháo chạy…Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (sinh năm 1946, quê Thái Thọ, Thái Thụy, Thái Bình được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1989), đã chỉ huy tàu HQ 505, thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân lao lên bãi đá san hô, biến chiếc tàu thành lô cốt, cùng đồng đội chặn đứng bước tiến quân thù. Lá cờ Tổ quốc các anh cắm trên đảo ngày ấy, bây giờ vẫn tung bay trên đảo Cô lin… 64 người chiến sĩ quả cảm ấy đã trở thành những tượng đài bất khuất, là những người anh hùng trong lòng mỗi người dân nước Việt; thân thể các anh đã vĩnh viễn nằm lại với biển cả quê hương.

Không ai trong chúng tôi có thể cầm lòng khi nghe Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân đọc điếu văn tưởng nhớ đến các chiến sĩ ngay trên boong tàu. Tàu rúc lên ba hồi cỏi ủ, làm tim tôi cứ như muốn vỡ ra, ai cũng như đang cùng thổn thức với những đồng đội nay đã ở cõi vĩnh hằng. Xa quá nhưng cũng lại gần quá. Những nén hương thơm, vòng hoa, những trái bưởi, những nắm gạo, nắm muối và cả những đóa hoa hồng mang từ đất liền ra cùng những giọt nước mắt, những lời cầu nguyện được tung xuống biển, nơi các anh nằm, mong các anh yên giấc ngàn thu. Nhiều anh chị trong Đoàn cũng như thân nhân các liệt sĩ đã trân trọng múc những chai nước biển nơi đây đem về đất liền, dâng lên bàn thờ các anh linh liệt sĩ Trường Sa.

Bão tố và sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng là một thử thách lớn với các chiến sĩ Hải quân. Rời Cô lin- Gạc Ma, con tàu 936 đưa chúng tôi đến với Cụm kinh tế- Khoa học, kỹ thuật – dịch vụ DK 1, được Nhà nước ta xây dựng trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam thuộc sự quản lý hành chính của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thăm các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc ở nơi đây. Khu vực DK 1 này có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của nước ta; khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp; các tàu nước ngoài thường cải dạng tàu cá thăm dò, trinh sát quấy rối… vi phạm chủ quyền nước ta. Chúng ta có 19 nhà giàn cho bộ đội đóng quân được xây dựng trên khu vực này, nhưng do sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên 4 nhà giàn đã bị bão nhấn chìm, một nhà giàn bị hư hỏng nặng. Bộ đội ở đây rất vất vả, hàng năm trời mới trở về đất liền, nước ngọt và rau xanh cực kỳ hiếm, sóng to gió lớn nên có khi có tàu ra thăm, thả neo cách chỉ độ hơn 200 mét nhưng không thể nào cho xuồng cập nhà giàn được…Hai cơn bão dữ (bão số 10 năm 1990 và bão số 8 năm 1998) đã tràn qua khu vực nhà giàn DK 1.6 và DK 1.3 tại bãi Phúc Nguyên, Phúc Tần, làm đổ các nhà giàn này và hất tung 17 cán bộ, chiến sĩ xuống biển; trong đó có 6 người đã anh dũng hy sinh… Và khu vực này đã trở thành Nghĩa trang Đỏ thứ hai cùng với Nghĩa trang Đỏ thứ nhất tại Cô lin ở Trường Sa. Tất cả các đoàn công tác trong những chuyến đi Trường Sa, khi đi qua khu vực DK 1 đều neo tàu dừng lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc thân yêu. Một không khí trang nghiêm vốn có, những nén hương thơm, những vòng hoa, những trái bưởi, những đóa hoa hồng và những lời cầu nguyện cho những con người đã không tiếc máu xương, chiến đấu, hy sinh vì biển đảo Tổ quốc thân yêu.

Viếng hai nghĩa trang liệt sĩ Đỏ trên biển Đông, lòng mỗi người như có tiếng bay phần phật của lá cờ đỏ sao vàng và thêm sắt son hai chữ “Chủ quyền” Tổ quốc. Thương nhớ lắm các anh, những con người đã đi vào tâm khảm tôi, đi vào lòng mỗi người dân quê hương, đất nước tôi.

Ghi chép của Lê Doãn Chiêu