(NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1991): “Đi đâu, ở đâu, làm gì, lúc nào cái căn chòi nhỏ rách nát có ánh trăng dọi vào, nằm trên bờ kinh Đồng Tháp Mười-nơi Chi bộ Đảng trong quân đội chọn làm nơi kết nạp tôi vào Đảng-mãi mãi vẫn sống trong tâm khảm tôi; để lại trong tôi một hình ảnh không bao giờ phai nhạt”. Nhà thơ viết trong bài Nguyện theo từng bước (Kỷ niệm đêm được kết nạp Đảng, tháng 7-1947) những câu:
Đời ta có được phút này…
Vảng nghe cúm núm gọi bầy xa xa
Người “tù” vừa đón hôm qua
Cho ta ánh sáng chói lòa giữa đêm
Ánh trăng rọi xuống đầy thềm
Bốn bề vắng lặng nghe tim bồi hồi
Lặng thinh không nói nên lời
Nguyện theo từng bước cuộc đời các Anh.
(Người “tù” ở đây là các chiến sĩ cộng sản bị địch bắt tù đày: Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Lợi, những đồng chí giác ngộ và kết nạp nhà thơ Bảo Định Giang vào Đảng)
Câu “Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác” là một câu trong bài thơ “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” của thi sĩ Chế Lan Viên in trong tập Chế Lan Viên toàn tập, do vợ ông-nhà văn Vũ Thị Thường biên soạn (NXB Văn học, 2002). Bài thơ được tác giả viết sau ngày ông được kết nạp vào Đảng, tháng 7-1949 tại Tà Cơn-Quảng Trị quê ông. Bài thơ được mở đầu bằng những câu:
Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời
Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ!
Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ?
Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm
Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên.
Và trong suốt cả bài hình ảnh quê hương, Mẹ và Đảng cứ trở đi trở lại, gắn bó, thiết tha:
Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu
Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ
Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ
Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng
Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan
Tưởng như cả quê hương giới thiệu tôi vào Đảng
Rẫy bắp, vườn tiêu, bờ tre, bãi sắn
Những đồi tranh ăn độc gió Lào
Cả trại tù Lao Bảo chốn rừng sâu
Ôi tiếng đầu tiên gọi ta "đồng chí"
Là tiếng quê hương ấm lành Quảng Trị
Những đảng viên đầu tiên đứng sát bên tôi
Là bạn thuở nhi đồng áo vá cơm khoai
Tôi đứng dưới cờ, đưa tay tuyên thệ
Trên đất quê hương mang hình bóng mẹ
Ngỡ chừng như vừa sinh lại lần đầu
Đảng trở thành nơi cắt rốn chôn rau.
Ông nhận mình và các bạn thơ tiền chiến khác là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, đúng như tên một tác phẩm của ông viết: “Từ thung lũng đau thương ra đến cánh đồng vui”...
Đồng chí Trần Trọng Tân- nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn TƯ có lần kể, khi tổ chức giới thiệu Chế Lan Viên vào Đảng, nhà thơ đã từ chối vì vẫn băn khoăn bởi mình “chưa được tham dự vào sự nghiệp cách mạng”. Chính thi sĩ cũng có lần tâm sự: “Cách mạng làm tôi vui mà cũng làm tôi áy náy... Cách mạng làm tôi vui, nhưng cũng làm tôi lo lắng", “Chúng tôi vào cách mạng rồi... nhưng vẫn không ngớt làm phiền cho cách mạng...”. Nhưng rồi những lo toan trăn trở của ông và nhiều văn nghệ sĩ theo cách mạng, kháng chiến khác đã được giác ngộ bởi nói theo nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc bấy giờ thì, văn nghệ sĩ ngoài những “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, “còn cái lớn lao hơn, ấy là Dân tộc!”; cùng đó là sự tri âm, tri kỷ bầu bạn của đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí. Trong một bức thư gửi Chế Lan Viên, Tố Hữu viết: “Mình biết, trước sau gì Hoan cũng là đồng chí. Vì ai đã đi với dân, thì trước sau gì cũng đi với Đảng mà thôi”. Đó là những gì mà ông trăn trở, cảm nhận, trân trọng về sự kiện đã gắn đời ông với Đảng, với đất nước, với nhân dân anh hùng và quê mẹ thân thương... Và như thế với ông cũng như với nhiều văn nghệ sĩ:
Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác
Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt
Đá sỏi cây cằn, sao bỗng thấy thiêng liêng?
Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn
Bỗng chan chứa trăm điều chưa nói hết!

Tôi cúi đầu nghe, dặt dìu, tha thiết
Cây cỏ trời mây, kẻ mất người còn
Trong mơ hồ, trăm tiếng của quê hương
Tôi đứng trước Đảng kỳ, rưng mắt lệ.
Thập Tam trại, mùa xuân năm 2016.
NVB