Theo Thông tư 19, NHNN sửa đổi Điều 18 của Thông tư 13 về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng vốn huy động để cấp tín dụng với điều kiện trước và sau khi cấp tín dụng đều đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả và các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác quy định tại Thông tư này.
Việc cấp tín dụng từ nguốn vốn huy động không được vượt quá các tỷ lệ quy định như sau: Đối với ngân hàng là 80%; đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85%. Cấp tín dụng quy định tại Khoản 1 Điều này bao gồm các hình thức cho vay, cho thuê tài chính, bao thanh toán, chiếu khấu giấy tờ có giá và công cụ chuyển nhượng.
Trong Thông tư 13, quy định nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội và các tổ chức khác. Một số ngân hàng cho hay, tiền gửi không kỳ hạn của những đối tượng trên thường chiếm tỷ lệ từ 15% - 20% trong tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Đây là nguồn vốn có tính ổn định cao.
Ngoài tỷ lệ 20% của nguồn vốn huy động không được sử dụng để cho vay theo công thức trên, thì còn khoảng 15% tiền gửi không kỳ hạn kể trên không được sử dụng để cho vay. Như thế, phần nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán lên tới 35% trên tổng nguồn vốn huy động là quá cao, không hợp lý…
Lấy ý kiến đónggóptừ các ngân hàng, Khoản 3, Điều 18 của Thông tư số 13 được sửa đổi tại Thông tư 19 quy định lại nguồn vốn huy động, bao gồm: Tiền gửi của cá nhân dưới các hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn; Tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức, bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức tín dụng khác và chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng), kỳ hạn 3 tháng trở lên (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng khác trong nước để bù đắp thiếu hụt tạm thời đối với các tỷ lệ về khả năng chi trả theo quy định tại Khoản 1, Điều 14 Thông tư 13) và tiền vay của tổ chức tín dụng nước ngoài; Vốn huy động từ tổ chức, cá nhân dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá.
Quỳnh Anh (TH)