
Điều này được thể hiện qua “nhiều nét dị thường” của thời tiết như: Mùa hè đến sớm, nắng gay gắt hơn, mùa đông đến muộn nhưng cũng lạnh hơn, hướng đi chệch của các cơn gió, cơn bão không theo quy luật. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn… Việt Nam còn đang chịu hậu quả nặng nề từ nhiệt độ tăng cao và hiện tượng Elnino…
Theo tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết: Gần đây, hiện tượng nắng nóng, mực nước trên các sông cạn kiệt kỷ lục, xâm nhập mặn nhiều, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng liên tiếp xảy ra. Những bất thường này có nguyên nhân của nó. Chỉ tính riêng vụ đông 2009- 2010 vừa qua, ở Bắc Bộ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng và kéo dài trong nhiều tháng. Nền nhiệt độ của tháng 1 và tháng 2-2010 cao hơn trung bình năm ngoái từ 30oC- 35oC. Tình trạng nắng nóng xảy ra sớm hơn bình thường, nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt mức cao nhất trong chuỗi số liệu, tới 37oC- 38oC, vừa qua, có nơi trên 40oC, thậm chí nhiệt độ đo ngoài trời tại một số nơi lên tới 45oC. Lượng mưa từ tháng 10-2009 đến nay ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình năm ngoái từ 70-90%; có những nơi hoàn toàn không mưa. Tình hình xâm nhập mặn của một số tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… với độ mặn từ 4o/oo- 10o/oo đã vào sâu đến 40km. Tại TP Hồ Chí Minh và một số nơi ngoại thành cũng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản và sinh hoạt của người dân.
Mực nước ngầm, và mực nước trên các dòng sông chính đều thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do tác động của hiện tượng Elnino; mùa mưa kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, các nhà máy thuỷ điện phía Trung Quốc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước của Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó tình trạng khai thác rừng bừa bãi, chất lượng rừng thấp, việc tích nước và xả nước không hợp lý trên các hồ chứa nước trên sông cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước…
Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu cho hay: Hiện tượng Elnino là một trong những thời tiết bất thường gây thảm họa lớn cho con người. Đó là hiện tượng hơi nước ấm lên đột ngột, làm tan những tảng băng. Bên cạnh đó, hiện tượng ấm lên của nước biển cũng làm cho hiện tượng bốc hơi nước nhiều, tạo ra những cơn mưa như thác đổ, gây lụt lội. Elnino còn làm thay đổi hướng gió, thay đổi áp suất không khí, làm trái đất nóng lên, gây hạn hán và tạo ra các cơn động đất dưới đáy biển…
Một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng Elnino là do ô nhiễm môi trường, phá rừng, khí thải cacbonic, bêtông hóa và hiệu ứng nhà kính. Nước ta là một nước có bờ biển dài, chịu hậu quả rất nặng nề từ hiện tượng Elnino. Theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới, Việt Nam là một trong năm nước ảnh hưởng nặng nhất hiện tượng Elnino.
Hiện tượng Elnino sẽ còn tác động đến thời tiết của nước ta, trong những tháng tới vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta cũng cần chú ý đến những trận mưa to, dễ dẫn đến lũ lụt…
Để hạn chế tình hình này, Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu cảnh báo vấn đề trước mắt cần phải khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc nước biển dâng cao như thế nào. Sau đó áp dụng việc xây bờ kè ngăn nước biển, làm những ngôi nhà tránh lũ để giảm thiệt hại. Về lâu dài, muốn giảm nhẹ, khắc phục tình trạng trên, chúng ta cần thực hiện các giải pháp như bảo vệ môi trường, tăng diện tích rừng, thay đổi chế độ vận hành tích nước và xả nước hợp lý hơn, thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm, thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước…
Bên cạnh đó, trong năm 2010, ngoài nắng nóng gay gắt hơn năm ngoái từ 2oC- 4oC, mưa, bão, lũ sẽ đến muộn nhưng mức ảnh hưởng lại cao hơn năm ngoái. Do tác động của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa, bão, lũ năm 2010, tình hình thời tiết, thuỷ văn trên phạm vi cả nước sẽ diễn biến phức tạp khó lường, các hiện tượng cực đoan sẽ nhiều hơn, nghiêm trọng hơn. Trong năm 2010, Việt Nam sẽ phải hứng chịu từ 6-7 cơn bão lớn từ khu vực biển Đông. Do vậy, cần đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra ở một số khu vực, đặc biệt là khu vực miền núi thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ…
Hoàng Nhân