Người quê tôi không nói: sương mù nhiều, sương mù dầy; mà kêu: sương mù nặng. Những hôm sương mù nặng, đi chợ sớm mới ra khỏi đầu làng đã ướt tóc mai, ướt vai áo gụ, ướt hai đám ngực con gái mới lớn tròn mẩy đang thì nhô lên. Người đi làm đồng, trâu bò, gồng gánh, cày bừa cũng chìm ngập trong biển mù sương, ngỡ mình đang mơ lạc sang cõi khác. Chỉ nghe tiếng khao khao lúc gần lúc xa mà đoán những người hàng xóm là ai và đã đi đến đoạn đường nào. Chỉ nghe bước chân trâu gõ móng trên đường làng lát gạch nghiêng cũng biết nó đang đi vội ra đồng cày hay nhẩn nha ra gò ăn cỏ.
Hơi lạnh ùa vào mặt vào cổ. Một chút khoan khoái chợt đến và dễ chịu; người với người cũng dễ tính hơn. Rồi lại bị cuốn ngay vào trạng thái lần mò đi như bơi trong biển mù sương. Có một khắc nào đó thằng con trai mới lớn quờ tay trong sương mù, bất chợt chạm phải vồng ngực non đang nhú của đứa bạn gái học cùng trường huyện. Đứa con trai nhoẻn cười, thẹn thùng. Đứa con gái vội thu tay che trước ngực và cười thầm. Đột nhiên đứa con gái giật thót mình, đau điếng vì ngón chân cái vừa vấp phải hòn đất rắn trên đường sống trâu và ngồi thụp xuống kêu đau. Đứa con trai ra vẻ người lớn lấy tay xoa xoa ngón chân cái bạn gái và cúi xuống thổi phù phù. Hơi trai mới lớn, hơi gái dậy thì phả ra, quện vào nhau, nóng hổi.
Độ nửa buổi sáng thì sương mù tan dần. Bầu trời vẫn thấp sùm sụp, nặng chình chịch. Đã thấy chân trời, nhưng chân trời rất gần và vẫn một màu sữa đục. Thỉnh thoảng mới có hôm hưng hửng ánh mặt trời rồi lại tắt lịm, còn hầu như cả giêng hai bầu trời đùng đục sà xuống với mù sương. Cảm giác bị đè nén, bủa vây và tức thở luôn thường trực đến khó thở, rất thèm cái khoáng đạt, trong lành, rộng mở.
Bao nhiêu năm xa quê, trở về làng. Giật mình: Mùa giêng hai, sương mù vẫn nặng và như ngàn vạn năm trước vẫn lập lềnh bay. Nhưng mù sương bay trên nhà mái bằng, trên đường làng đổ bê tông xi măng mác cao cứng lạnh, trùm lên máy cày Bông Sen. Trâu ơi! Trâu đâu rồi? Mái rạ, đống rơm đâu rồi? Đường làng lát nghiêng gạch Bát Tràng đâu rồi?
Mùa giêng hai chỉ còn trong hoài niệm!
Tạp văn của Sương Nguyệt Minh