Lãnh đạo BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh thứ 15 của khối.

Từ ngày 1-1-2024, khi 6 nước là Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trở thành thành viên của Khối các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) một nửa thế giới sẽ xây dựng một mối quan hệ khác biệt. Tất nhiên, điều này sẽ tác động mạnh đến nửa còn lại của thế giới.

Ngày 24-8, ngày kết thúc Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 kéo dài 3 ngày tại Johannesburg (Nam Phi), cũng là ngày đánh một dấu mốc lịch sử về sự gắn kết của BRICS và các nước đang phát triển, cũng như quyết tâm hợp tác vì một tương lai mới với hướng đi mới. Các chuyên gia cho rằng việc mở rộng BRICS, như một điểm khởi đầu mới cho hợp tác đa phương, sẽ đóng vai trò tích cực cho việc quản trị toàn cầu một cách vô tư và công bằng hơn. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 24-8 tại Johannesburg, ông Cyril Ramaphosa - Tổng thống Nam Phi, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này đã thông báo về việc 6 quốc gia trên sẽ trở thành thành viên mới của nhóm. Đây sẽ là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010 và các ứng cử viên mới sẽ được kết nạp làm thành viên vào ngày 1-1-2024. Cũng theo Tổng thống Nam Phi, ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 là việc mở rộng BRICS. Kết quả, các nước thành viên đã đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng của nhóm.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình nói tại cuộc họp báo rằng việc mở rộng BRICS mang tính lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS. Nó thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển khác, đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế và phục vụ những lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Ông Tập Cận Bình cho rằng, sự mở rộng cũng sẽ tiếp thêm sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa các lực lượng vì hòa bình và phát triển thế giới, đồng thời nhấn mạnh chỉ cần các nước BRICS cùng nhau hợp tác thì có thể đạt được nhiều điều và một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đợi các nước BRICS.

Như vậy, khi có thêm 6 thành viên mới, BRICS sẽ có đại diện đến từ châu Á, châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, chiếm gần một nửa dân số thế giới. Truyền thông Mỹ dẫn lời Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva kỳ vọng việc mở rộng sẽ chứng kiến tổng sản phẩm nội địa của BRICS tăng lên 36% GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới. Bên cạnh việc mở rộng BRICS, việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD cũng là trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là sau khi Tổng thống Nga - Vladimir Putin chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong một bài phát biểu hôm 22-8, nói rằng: "Phi USD hóa" là một quá trình "không thể đảo ngược" và "đang tăng tốc". Trong khi đó, Tổng thống Nam Phi - Ramaphosa cho biết: Các nhà lãnh đạo của những nước BRICS đã giao nhiệm vụ cho các Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương của nước họ xem xét khả năng tung ra các công cụ và nền tảng thanh toán dựa trên đồng tiền quốc gia của mình. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa BRICS cũng như các đối tác thương mại của họ, đồng thời khuyến khích tăng cường mạng lưới ngân hàng đại lý giữa các quốc gia BRICS và cho phép thanh toán bằng các đồng nội tệ.

Nếu quyết tâm “phi USD hóa” thành công, hơn một nửa thế giới sẽ không sử dụng USD trong giao dịch bởi các nước thành viên BRICS cũng sẽ không sử dụng USD trong giao thương với các thành viên ngoài khối. Các chuyên gia tin rằng khi các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Iran gia nhập BRICS, hoạt động buôn bán dầu mỏ sẽ dễ dàng “phi USD hóa”, điều mà phương Tây lo ngại.

Thế nhưng, BRICS không chỉ là sự hợp tác kinh tế đơn thuần. Một số chuyên gia cho rằng việc mở rộng BRICS không chỉ thể hiện xu hướng mạnh mẽ của cơ chế BRICS, vượt xa dự kiến của một số nước phương Tây như Mỹ, mà còn là phản ứng mạnh mẽ trước sự bá quyền của phương Tây. Việc nhiều nước đang phát triển hơn gia nhập nhóm đã thể hiện những mong muốn về tăng cường tiếng nói và quyền tự chủ của họ trong các vấn đề toàn cầu, ủng hộ một trật tự quốc tế vô tư, công bằng, đa dạng và đa cực hơn. Đại sứ Argentina tại Trung Quốc - Sabino Vaca Narvaja trả lờitờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 24-8: "Việc mở rộng phạm vi này là chìa khóa để xây dựng một trật tự toàn cầu hài hòa hơn, trong đó hợp tác thay thế đối đầu; phát triển năng suất thay thế cho đầu cơ tài chính; nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau thay thế cho chủ nghĩa can thiệp đơn phương; hội nhập kinh tế thay vì các biện pháp trừng phạt lỗi thời; và chuyển giao công nghệ thay thế phong tỏa công nghệ".

Thế giới đã có G7 - nhóm 7 nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển - giờ lại có thêm BRICS mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, khi BRICS với sự dẫn dắt của Nga và Trung Quốc - hai nước đang ở thế đối đầu và cạnh tranh gay gắt với G7, thế giới một lần nữa lại được tách làm hai trong một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng mới trên toàn cầu.

         Thanh Huyền