Ảnh Giải phóng quân Lương Tiến Đại được cô gái Nha Trang chụp năm 1968.

Khi mũi tiến công gồm 16 chiến sĩ giải phóng quân thuộc đơn vị “Cô Tám” của Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 bị địch phục kích, bẻ gãy, sau đó, được vợ chồng một hiệu ảnh ở T.P Nha Trang che chở, lại được cô con gái 17 tuổi chụp cho một tấm ảnh để làm kỷ niệm trong Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Lương Tiến Đại - nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội CCB Quảng Bình, bao năm dày công tìm kiếm ân nhân của mình, nhưng vô vọng. Một chiều, ông tìm đến tôi và kể về kỷ niệm chiến tranh hào hùng đó, ngõ hầu, qua bài báo có thể thực hiện được ý nguyện cháy bỏng suốt 46 năm qua. Thế nhưng, tối đó (6-5-2014), một cơn đau tim đột ngột ập đến khiến ông đột tử. Phải chăng việc làm chiều đó là một linh tính để câu chuyện ông kể trở thành điều di chúc cho người thân, đồng chí của ông tiếp tục thực hiện ước nguyện.

Mũi tiến công bị bẻ gãy

Chiều 29 Tết Mậu Thân, 16 chiến sĩ đơn vị đặc biệt của ông đã tập kết ở một vùng bán sơn địa, phía tây thành phố. Tại đây, một nữ giao liên có mặt, có nhiệm vụ dẫn đơn vị ông tiến về Nha Trang. Sau một đêm hành quân, rạng sáng, các chiến sĩ Giải phóng đã vào đến ngoại vị thành phố. Đợi giờ G, tất cả mọi người với khí thế ngất trời, sẽ tiến vào nội đô.

Sau đó, vì giao liên dẫn lạc đường, toàn đơn vị của ông đã bị lọt vào một ổ phục kích của lính ngụy. Nhiều chiến sĩ trúng đạn, ngã xuống. Đội hình phải tản ra. Giữa thanh thiên bạch nhật, nơi địa đầu thành phố, đường sá lạ lẫm, nếu không tìm nơi ẩn trú, sẽ bị tiêu diệt hoặc bị địch bắt sống. Trong tình huống gay cấn bất ngờ đó, Đoàn phó Lương Tiến Đại không có cách nào khác liền chạy vào một nhà sát đường, xin ẩn náu.

Đó là một hiệu ảnh nhỏ. Chủ nhà là một cặp vợ chồng tuổi gần 50 đã nhanh trí, dẫn anh vào chỗ phía trong bàn thờ, kéo phông lên, rồi dở nắp hầm bí mật bảo anh mau nhảy xuống. Độ 5 phút sau, từ trong hầm ông nghe rõ tiếng giày chạy rậm rịt, rồi tiếng quát láo nháo phía trên của lính ngụy: “Ê! chủ nhà, có thằng Việt cộng chạy vào đây không? Nói dối, bọn này bắn bỏ tức thì!”. Tiếng ông chủ: “Không có! Không thấy! thì mấy chú cứ tìm, nhà chỉ có hai vợ chồng tôi thôi!”.

“Lúc đó tôi mở chốt an toàn súng AK và lăm lăm trong tay hai quả lựu đạn mỏ vịt. Tôi sẵn sàng tiêu diệt địch, nếu như chúng phát hiện được hầm” - ông nhớ lại.

Hai, rồi ba phút trôi qua, không gian yên tĩnh. Thỉnh thoảng le lói đâu đó tiếng đạn nổ xa xa vọng về.

Nhà có hầm bí mật, hẳn đây là một cơ sở cách mạng, ông mừng thầm là mình đang được người dân yêu nước giữa lòng địch che chở.

Đến tối, chủ nhà dở nắp hầm, mời ông lên. Ông muốn phá tan thái độ dò xét, cảnh giác của chủ nhà bằng những câu chào hỏi thực lòng và xởi lởi giới thiệu về quê hương Quảng Bình của mình. Dường như có biết mảnh đất Đồng Hới, Quảng Bình, nên nụ cười lúc bấy giờ của ông chủ nhà như đã xua tan những di nghị vướng vấn trong lòng mình.

Vợ chồng chủ nhà liền mời ông ăn bánh tét với dưa hành, thịt lợn.    

Trưa hôm sau, nắp hầm mở. Một cô gái trẻ măng, trạc 17 tuổi, khuôn mặt xinh đẹp, bước xuống, trong tay có thức ăn, nước uống và có cả trái ngọt kèm theo. Cô gái tự giới thiệu: “Em là con trong nhà, em mời anh Giải phóng ăn bữa đi ạ!”. Vừa nói, cô gái vừa xới cơm, gắp thức ăn vào bát và đưa cho ông. Một cuộc tương ngộ như mơ giữa một người con trai đất Bắc và người con gái xứ Nam. Ông kiệm lời, đó là bản chất của ông, làm cô gái xứ Nam càng thêm yêu mến.

Khi lên khỏi hầm một lúc, cô gái nói vọng xuống:

- Anh Giải phóng ơi, lên đây em nói cái này !

Ông ngoan ngoãn làm theo. Cô gái sửa lại ve cổ áo cho ông rồi bảo ông ngồi xuống ghế, phía sau là tấm phông có cây dừa trĩu quả và dòng sông xanh mơ màng chảy qua mà gia đình cô dùng để hành nghề chụp ảnh cho khách. Cô gái đưa máy ảnh lên ngắm và bấm. “Tách”. “Xong rồi! - Em sẽ làm ảnh tặng anh, anh nhé!”. “Cô gái vui vẻ nói thế và giục tôi mau xuống hầm, nhỡ bất thần có khách đến” - ông nói và kể tiếp: “Một ngày, lại một ngày nữa. Nằm trong hầm giữa lòng T.P Nha Trang mà lòng tôi như lửa đốt. Mũi tiến công của đơn vị tôi đã bị địch bẻ gãy. Thế là chiến dịch tiến về thành phố đã không thuận lợi như dự kiến ban đầu mà tôi đã được cấp trên phổ biến. Các đồng đội giờ đang ở nơi nao?...

Đang nghĩ ngợi mông lung thì, chiều tối của ngày thứ ba, cửa hầm lại mở, cô gái lại xuống hầm và nói với tôi:

- Bây giờ, có người dẫn đường rồi, anh lên theo người đó ra ngay vùng giải phóng.

Có lẽ để khỏi người thứ ba biết được tình cảm ém chặt trong mình với tôi nên khi đã lên khỏi hầm, cô gái nhét vội vào túi tôi một mảnh giấy nhỏ và nói: “Ảnh của anh, em đã làm xong rồi, không đẹp, nhưng mà để nhớ mãi, anh nhé!”. Những ngấn lệ trên đôi mắt làm vẻ đẹp trên khuôn mặt tròn trịa của cô gái càng thêm diệu vợi. Trái tim tôi cũng rung lên. Tôi và cô gái không nói được gì, vì người dẫn đường đang đứng chờ bên ngoài. Với tình cảm chân thành, tha thiết, tôi nhanh nhẹn bước ra ngoài, vẫy tay và nước mắt ứa ra, thay cho một lòng tạ ơn và lời hứa hẹn tái ngộ.

Đoàn phó Lương Tiến Đại gặp lại đơn vị sau ba ngày xa cách tại bìa rừng. Rồi đơn vị ông củng cố, hành quân lên Tây Nguyên. Chiến dịch nối tiếp chiến dịch. Trong bom đạn, trong những quãng đường hành quân, hình ảnh cô gái Nha Trang ẩn khuất trong tấm ảnh chân dung cỡ 2x3 cm của ông, luôn nằm trong túi áo phía trái tim, đã theo ông đi khắp mặt trận.

Cuộc tìm kiếm ân nhân không ngơi nghỉ

Hết chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Sư đoàn của Lương Tiến Đại được lệnh ra Bắc. Rồi trong vòng quay của thời gian, ông theo lớp huấn luyện này đến khóa đào tạo kia. Hết nhiệm vụ này, đến nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào, không bao giờ trong ông nguôi ngoai tình cảm và ý định tìm gặp lại gia đình và cô gái Nha Trang năm xưa.

Đại tá Lương Tiến Đại đã nhiều lần đến Nha Trang để tìm cô gái và gia đình của cô, nhưng đều thất vọng, bởi vì ông không tài nào xác định được địa điểm lúc ông chia tay gia đình và cô gái để lên rừng. Tên của họ là gì, lúc chia tay, ông cũng không kịp hỏi. Ông chỉ biết, gia đình ân nhân của mình là một hiệu ảnh nhỏ, nhà sát đường nhựa, gần cuối dốc mà ở phía lưng chừng núi có một tượng Phật Bà dựng cao, màu trắng.

Người ta còn cho ông biết, sau Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy ra tay truy lùng và khủng bố những cơ sở cách mạng trong thành phố. Nhiều chiến sĩ, cán bộ, nhân dân yêu nước đã bị địch bắt bớ, giam cầm và giết hại. Rất có thể gia đình thợ ảnh và cô gái ở T.P Nha Trang là những nạn nhân trong những cuộc khủng bổ dã man ấy của địch. Và cũng có thể, do một hoàn cảnh nào đó, gia đình ấy đang định cư một tỉnh xa, hoặc một đất nước ngoài Việt Nam. Tuy nhiên, Đại tá Lương Tiến Đại vẫn đặt nhiều niềm tin trong cuộc tìm kiếm không nghỉ của mình.

Qua bài báo này, mong manh một hy vọng con cháu của vợ chồng chủ hiệu ảnh ở Nha Trang ngày ấy, nay sinh sống ở đâu biết được nỗi day dứt, trăn trở của một Giải phóng quân!

Hồ Ngọc Diệp ghi theo lời kể của Đại tá Lương Tiến Đại