Quê gốc ở xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nhưng Nguyễn Kim Long được sinh tại TP. Hải Phòng vào năm Cách mạng Tháng Tám thành công (1945). Năm 1964, đang học năm cuối Trường trung cấp Hàng Hải thì cả lớp 40 học viên tình nguyện nhập ngũ và được chuyển về Bộ Tư lệnh Hải quân. Sau thời gian 3 tháng huấn luyện và đi thử sóng, ngoài 14 chiến sĩ được chọn làm nhiệm vụ đặc biệt (tàu không số), Nguyễn Kim Long cùng số anh em khác chuyển sang tàu mặt nước. Sau sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (5-8-1964), anh được lệnh vào Quảng Bình, biên chế về tàu Tuần La 259 thuộc Phân đội 5, Khu tuần phòng 5.
Cuối tháng 12-1964, Nguyễn Kim Long được Bộ Tư lệnh Hải quân điều chuyển về Tiểu đoàn Ra-đa bờ biển đóng ở Đèo Ngang, làm chiến sĩ cơ điện tại C530. Ngày 26-3-1965, trong một trận đánh trả máy bay Mỹ chỉ với súng trường, Kim Long đã góp phần cùng Tiểu đoàn và đơn vị bạn bắn rơi 3 máy bay. Sau trận chiến đấu đầu tiên, binh nhì Nguyễn Kim Long vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Đầu năm 1967, Nguyễn Kim Long được chọn về Trường sĩ quan Hải quân bồi dưỡng chuẩn bị sang Liên Xô học đào tạo về tàu ngầm. Tuy nhiên, do tình hình lúc bấy giờ, anh được Quân chủng cử về Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện KTQS). Vào trường, anh được phân công học ngành xe máy quân sự. Vốn là người sôi nổi lại có năng khiếu văn nghệ-thể thao, tốt nghiệp, người kỹ sư trẻ được giữ lại trường. Liền đó, anh được Nhà trường cử đi học hệ trung cấp tại Trường sĩ quan Chính trị rồi trở về, anh làm trợ lý tuyên huấn. Sau sự kiện ngày 17-2-1979, mặc dù vừa mới cưới vợ, anh vẫn làm đơn tình nguyện lên biên giới phía Bắc chiến đấu và được chấp thuận. Biên chế về Cục Kỹ thuật Quân đoàn 14, từ trợ lý Phòng xe, anh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng huấn luyện kỹ thuật của Quân đoàn.
Mãi tới đầu năm 1984, kỹ sư Nguyễn Kim Long mới về lại “mái nhà xưa” là Quân chủng Hải quân. Từ chỗ Phó CNKT, anh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ. Cùng với việc xây dựng củng cố nền nếp công tác kỹ thuật, thời gian này, Bùi Kim Long đã tổ chức đóng thành công 1 xe ca 45 chỗ và 1 xe 12 chỗ, phục vụ hoạt động của Lữ đoàn.
Từ sau khóa học bồi dưỡng về quản lý kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, cuối năm 1989, kỹ sư Nguyễn Kim Long được điều động làm Phó trưởng Phòng Ô tô-tăng thiết giáp Quân chủng Hải quân. Năm 1991, khi thành lập Phòng Tăng-Thiết giáp Hải quân, ông được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng. Trong 6 năm công tác ở đây, năm nào ông cũng ra Trường Sa và các đảo phên dậu của Tổ quốc. Cuộc sống ở đảo tuy gian khổ, thiếu thốn, song tình cảm đồng chí, đồng đội luôn dạt dào, ấm áp; hình ảnh những chiếc xe tăng ra đảo luôn in đậm trong tâm trí ông.
Tròn 40 năm quân ngũ, có hơn 30 năm gắn bó với Quân chủng Hải quân, kỹ sư Nguyễn Kim Long luôn hết lòng với chức trách nhiệm vụ được giao. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng để lại dấu ấn sâu đậm về tinh thần tận tụy, trách nhiệm hết mình của người cán bộ, đảng viên. Có lẽ do quá say mê công việc, dồn sức cho ngành tăng-thiết giáp và ngành xe-máy, nên suốt ngần ấy năm trời, năng khiếu âm nhạc của ông chưa có điều kiện để phát lộ.
Trở về với cuộc sống đời thường tại phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, người CCB này có điều kiện dành thì giờ thực hiện mơ ước của mình. Ông tích cực tham gia CLB văn hóa-văn nghệ phường với vai trò nòng cốt. Cuối năm 2011, chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Phòng Tăng-thiết giáp Hải quân, Đại tá Dư Đình Quang, Trưởng phòng đặt vấn đề làm sao có được một bài hát truyền thống. Trong hơi men, không kìm được cơn xúc động, Đại tá Nguyễn Kim Long nhận lời. Trở về nhà, nghĩ lại, ông thoáng giật mình. Tuy nhiên với kiến thức âm nhạc được tích lũy nhiều năm, lại thêm vốn sống phong phú, chốc lát bao kỷ niệm ùa về, khiến ông háo hức ngồi trước cây đàn. Và những nốt nhạc đầu tiên bất ngờ bật lên. Ca khúc “Xe tăng ta ra đảo” được ra đời như thế. “Xe tăng ta ra đảo. Ta tạm biệt quê hương, xa đồng lúa thơm bông, lũy tre làng bóng mát với những người yêu thương. Xe tăng ta ra đảo giữ bến bờ cõi thiêng. Nòng pháo thép soi gương, máy nổ rền vang sóng thỏa chí người lính tăng…”. Đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống ngành Tăng-Thiết giáp Hải quân, ca khúc này được Đoàn Văn công Quân chủng biểu diễn, nhận được cảm tình nồng nhiệt của quan khách và khán giả.
Thành công này đã khích lệ Đại tá Nguyễn Kim Long. Trong vòng hơn 2 năm, ông đã có một “gia tài” nho nhỏ với 32 ca khúc. Có thể chia sáng tác của người CCB này thành 3 mảng: Hải quân và người lính (Tình ca người lính Trường Sa, Tình em gửi đảo Sơn Ca, Tâm tình chiếc xe QH, Hành khúc Học viện KTQS, Người lính không mang tên, Ta là lính Rađa…); về tình yêu lứa đôi (Người thôn nữ ấy, Tình em, Đợi anh nhé em, Mối tình người lính, Hương tình Nha Trang…); tình yêu quê hương đất nước (Hải Phòng thành phố tình yêu của tôi, Đồng Xâm quê tôi, Trường Thái Phiên mến yêu của tôi, Làm gì cho Tổ quốc hôm nay…). Chưa có điều kiện để dàn dựng, tác giả tự hát và thu vào đĩa CD gửi tặng đồng đội thân yêu.
Đặc biệt, khi Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên của Hải quân ta được thành lập, ông có ngay “Vinh quang tàu ngầm Việt Nam”. Tiếp nối mạch nguồn âm nhạc trữ tình, mới đây, ông có thêm ca khúc “Chuyện tình người lính Trường Sa”, có thể dựng thành một ca cảnh lôi cuốn và hấp dẫn. Ở góc độ khác, bài “Hải quân nhân dân Việt Nam” lại là một bức tranh hoành tráng, tái hiện quá trình chiến đấu và trưởng thành của các binh chủng thuộc Quân chủng Hải quân. Nói về những dự định của mình, CCB Nguyễn Kim Long ao ước viết thêm được nhiều ca khúc thật hay viết về người lính nói chung và hải quân nói riêng, đặng góp phần động viên đồng đội đang làm nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu!
N.M.N