Với bản lĩnh và nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ” không cam chịu đói nghèo, Chủ tịch Hội CCB huyện Ba Chẽ Vi Mạnh Vùng, quê ở thôn Làng Dạ, xã Thanh Lâm đã quyết tâm tìm mọi cách để phát triển kinh tế cho hội viên. Anh đã không quản ngại khó khăn trèo đèo, lội suối xuống tận bản làng để tập hợp hội viên. Với đặc thù miền núi vùng cao, việc vận động người dân tham gia Hội gặp không ít khó khăn. Anh Vùng đã phải nhiều lần kiên nhẫn tuyên truyền để họ thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa khi vào Hội nên đến nay đã có 813 hội viên.

Khi đã tập hợp được hội viên, anh quyết tâm tìm mọi cách phát huy, khơi dậy những người lính, đồng đội năm xưa huy động, liên kết mọi nguồn lực để hội viên cùng nhau phát triển kinh tế. Anh cùng BCH Hội CCB huyện tiến hành khảo sát các hộ CCB nghèo, tìm giải pháp phù hợp với hoàn cảnh điều kiện, thực trạng kinh tế của từng gia đình hội viên, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” là chủ đạo. Trong những chương trình sinh hoạt hội viên định kỳ, anh đã luôn chủ động lồng ghép, chia sẻ những mô hình hay, cá nhân làm kinh tế giỏi, kiến thức khoa học kỹ thuật mới khiến 100% hội viên tham gia. Bên cạnh đó, anh còn vận động hội viên đoàn kết, cùng giúp nhau làm kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Những mô hình kinh tế trồng rừng, nuôi lợn rừng, trồng cây thanh long… phát triển được anh phổ biến cho hội viên. Anh còn chặt chẽ với các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên... đứng ra vay vốn tín chấp, các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp… để tạo điều kiện hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh đảm bảo sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực. Với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, anh đã giao chỉ tiêu cho cấp cơ sở xóa nghèo có địa chỉ.

Không ngừng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để hội viên nghèo chủ động tích cực tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình hội viên. Đến nay, nhiều hộ gia đình hội viên CCB đã thoát nghèo, làm giàu cho gia đình doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Tiêu biểu như các CCB Hà Văn Huyên (xã Nam Sơn) phát triển chăn nuôi lợn rừng, trồng cây thanh long; Vi Văn Viễn (xã Lương Mông) có diện tích trồng rừng khoảng 20 ha, kết hợp làm mộc, dịch vụ ăn uống... Hiện số gia đình hội viên nghèo CCB theo tiêu chí mới chỉ còn 157 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo. Từ nay đến cuối năm, anh cùng BCH Hội CCB huyện quyết tâm giúp 40 hộ hội viên thoát khỏi kinh tế cận nghèo. Không chỉ giúp nhau về kỹ thuật, anh đã đứng ra vận động các hội viên thành lập Quỹ “Hỗ trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” được hơn 100 triệu đồng do Hội CCB huyện quản lý, các chi hội cơ sở giữ, những đối tượng hộ gia đình hội viên nghèo được vay không lãi suất.

Bận rộn với công tác ở Hội, tranh thủ những lúc rảnh anh lại chăm lo kinh tế gia đình. Vợ bị bệnh, một mình anh xoay xở với mô hình chăn nuôi lợn, trồng mía tím, bi-ô-ga, trồng 6 ha cây keo để cải thiện kinh tế gia đình. Hàng năm, riêng việc bán lợn thịt khoảng 2 tấn. Doanh thu hàng năm của gia đình đạt trên 100 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế, anh còn không ngừng học hỏi, đi tham quan tìm hiểu những mô hình làm kinh tế hay trên cả nước, cập nhật những phương pháp kỹ thuật mới để chia sẻ cùng với hội viên. Anh nói: “Bản thân mình phải luôn gương mẫu, đi tiên phong với mô hình kinh tế hiệu quả, hội viên mới tin và làm theo”. Những việc làm của anh đã trở thành mệnh lệnh không lời, để hội viên học tập, làm theo. Chính vì vậy, phong trào xoá đói nghèo, làm giàu của Hội CCB trong huyện đã thực sự có hiệu quả.

Hội CCB huyện Ba Chẽ đã nhiều lần được cấp trên tặng bằng khen về thành tích công tác. Riêng ông Vi Mạnh Vùng vừa được Chủ tịch tỉnh tặng bằng khen về thành tích xoá đói nghèo ở một huyện miền núi, khó khăn nhất tỉnh.

Đông Bắc