Thực tế chứng mình, dù đồng lương chưa thực sự tương xứng công việc dạy học của giáo viên (GV) nhưng đa số vẫn trụ được với nghề! Bởi cha ông xưa đã dạy “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”

! Với điều kiện là có một môi trường sư phạm trong sạch; trên dưới đoàn kết, thương nhau; chung sức chung lòng khắc phục khó khăn để vượt qua.

“Làn sóng nghỉ việc” của một bộ phận GV đã làm cho xã hội đặt ra nhiều câu hỏi và mong đợi sự giải thích nguyên nhân. Vì đào tạo được một GV cần rất nhiều yếu tố về đạo đức nghề nghiệp, về chuyên môn, về lòng yêu nghề, mến trẻ…

Một khi họ quyết định nghỉ việc là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng, một sự day dứt không nguôi và họ rời xa bục giảng vì bất khả kháng! Trường tôi có một nữ GV Ngữ văn xinh đẹp (xin giấu tên) có nhiều năm giảng dạy tốt; vừa tốt nghiệp cao học (thạc sĩ) được hơn 1 năm đã nghỉ dạy, về làm công việc kinh doanh và rất thành đạt! Tôi hiểu nguyên nhân nghỉ việc không phải vì đồng lương của cô mà có nhiều nguyên nhân khác, không tiện bộc bạch mà thôi…

Về thực trạng GV nghỉ việc hiện nay, có thể kể ra một số nguyên nhân sau; ngoài lý do “đồng lương không đủ sống”:

1. Nhà trường phần nhiều luôn mất dân chủ; chỉ là dân chủ hình thức, cho có: Ở đây, Hiệu trưởng (HT) có toàn quyền “sinh sát” trong tay! Có thể nói HT là “ông vua con một cõi” vì HT là chủ tài khoản của nhà trường. Có những HT thường xuyên mắng GV, nhân viên, kể cả các Phó hiệu trưởng (PHT) cũng nhiều khi cũng bị “dính đạn” vì công việc liên quan! GV không được tôn trọng, không được coi là thành phần tạo dựng nên nền nếp dạy và học của trường.

HT nhà trường phần lớn do cấp trên đưa xuống nên không phải HT nào cũng biết tự thân tu dưỡng, rèn luyện; tìm hiểu đội ngũ mà chỉ biết lo củng cố “cái ghế” của mình. Từ đó, HT tự tung tự tác; không công khai minh bạch các khoản thu chi; các hoạt động tài chính của nhà trường. Nhiều khoản thu rất lớn như bữa ăn bán trú, hoạt động căng-tin, mua đồng phục cho học sinh đầu năm học, giữ xe… Nếu các khoản này được công khai rõ ràng, sẽ có nguồn thu khá lớn và sẽ được điều tiết hợp lý nhằm hỗ trợ GV, nhân viên. Thí dụ: “Hoa hồng” đồng phục cho trường có 1.500 HS (mỗi em mua 3 bộ, tức là 4.500 bộ). Chỉ cần mỗi bộ chi “hoa hồng” 5.000 đồng; nhà trường sẽ có ngay 22,5 triệu đồng! Nhưng không, bộ phận văn phòng nhà trường có 6 nhân viên, chi cho công việc nhận và phát; mỗi người được 500.000 thôi! Còn lại đi về đâu không ai biết!...

2. Trù dập, cô lập, bức bách những GV dám đấu tranh, dám phản biện những chủ trương của nhà trường. Đến nỗi những GV này được chụp mũ “GV cá biệt” hoặc “GV rắc rối”; gây “mất đoàn kế nội bộ”… Họ lẻ loi, cô đơn ngay giữa sân trường vì không GV nào dám nói chuyện, tâm sự vì những “tai mắt” của HT sẽ báo lại!

3. Bắt buộc GV phải gian dối; dối học trò, dối cấp trên và đau xót hơn là tự mình lừa dối mình! Môi trường sư phạm thời nhiễm “bệnh thành tích” này hầu như không có chỗ đứng cho người thẳng thắn, trung thực! Muốn tồn tại, muốn yên thân thì phải gian dối! Đó là đầu năm học, mỗi GV phải đăng ký tỷ lệ học sinh đạt từng mức (giỏi, khá, trung bình). Dù biết không thể có được tỷ lệ “đẹp” đó, GV vẫn phải đăng ký để có cơ sở xét danh hiệu thi đua cuối năm. Thế là phải kiểm tra dễ dãi; phải cho điểm rộng, điểm cao dù sức học các em HS không đạt mức đó!

4. Dù đi dạy lâu năm, dạy có chất lượng nhưng GV ít có cơ hội thăng tiến. HT chọn tổ trưởng, nhóm trưởng cũng phải chọn người dễ bảo, “ngoan ngoãn vâng lời” mà người dạy tốt thường không có những “yếu tố” đó. Còn chờ đề bạt thì ôi thôi, râu mọc dài cũng không được vì phải có gốc gác, phe cánh…

5. Chuyện bình chọn thi đua cuối năm bao giờ cũng gây ra nhiều bất mãn! Hầu hết các danh hiệu đều dồn về HT, các PHT, tổ trưởng. GV dạy bình thường hầu như không bao giờ đạt được các danh thi đua cuối năm! Có HT nhận cả hàng chục bằng khen, chưa kể giấy khen vẫn muốn… nhận tiếp. Không biết treo vào đâu cho hết số bằng khen, giấy khen này! Thay vì nhường lại, rút lại để những suất đó cho GV, thì họ lại không muốn “nhả” mà chỉ muôn “ôm” vào mình hết!

Còn biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu nguyên nhân sâu xa; nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp dẫn tới thực trạng GV nghỉ việc này!

Thạch Hoàng Sa

(Nhà giáo về hưu)