Cho đến nay, chỉ còn các tỉnh Lai Châu và Điện Biên là chưa có khu công nghiệp (KCN), còn lại trên 61 tỉnh, thành đã lập đất quy hoạch KCN - hầu hết tọa lạc ở vị trí đất “vàng” và được xây tường, làm hàng rào bao quanh, kẻ biển mời gọi nhà đầu tư rất hoành tráng (bình quân mỗi tỉnh có gần 7 KCN).

Nhưng không phải KCN nào cũng đã lấp đầy nhà xưởng, thậm chí ở nhiều nơi vẫn là những khoảng đất còn đang để trống hơ, trống hoác nhiều năm. Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cả nước hiện có 416 KCN, với tổng diện tích hơn 89.000ha, nhưng theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, cũng thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, thì đến cuối năm 2023 mới có khoảng 51,8000ha cho thuê (đạt khoảng 57,7%)  

Như vậy cũng có nghĩa là hiệu quả sử dụng đất KCN chưa cao, nếu như không muốn nói là đang lãng phí, trong khi “lấp đầy KCN” là mong muốn của cả “3 nhà” (đầu tư, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp).

Vậy khó ở đâu?

Hãy nghe rất nhiều nhà đầu tư than: “Vào KCN rất khó khăn, vướng mọi bề”. TS. Ngô Công Thành - Ủy viên BCH lâm thời Liên chi hội Tài chính KCNViệt Nam (VIPFA), kiêm Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC) chỉ ra một nghịch lý: Phải có mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, thì nhà đầu tư mới quyết định đầu tư vào KCN. Nhưng KCN lại chờ tìm được nhà đầu tư, rồi mới đầu tư hạ tầng! Đây là nguyên nhân chính dẫn đến KCN chưa được lấp đầy.

Một trở ngại nữa là thủ tục hành chính và nhiều quy định pháp lý vừa bất cập, chậm sửa đổi, trong khi kinh doanh buôn bán coi “thời gian là lực lượng”. Sửa đổi quy định do sai ngay từ khi xây dựng văn bản cũng có; sửa do yêu cầu khách quan cũng có, nhưng các KCN của nước ta lại thiếu những quy định được sửa đổi những quy định trong văn bản (hợp đồng), nên biết phải sửa mà không sửa được, dẫn đến đình trệ, thậm chí phải hủy hợp đồng.

Đã có nhà đầu tư nói một cách hình ảnh rằng, không sửa những quy định không còn hợp lý trong KCN thì không khác gì “nhốt doanh nghiệp vào lồng”. Nhốt lâu doanh nghiệp sẽ chết trong KCN, vì hàng hóa không ra, vào được cửa bảo vệ, nhất là những KCN áp dụng công nghệ 4.0 thì “thôi rồi” - trong khi ngoài KCN, thậm chí hàng vừa vận chuyển trên đường vừa sửa hợp đồng - kinh doanh là thế!.

Ông Phạm Hồng Điệp - Tổng giám đốc KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho biết: Tháng 5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và Khu Kinh tế, tuy đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi cho đầu tư KCN, nhưng đến khi triển khai thì lại vẫn có bất cập, bởi những quy định bất hợp lý. Ví dụ, để được cấp phép đầu tư KCN, nhà đầu tư phải chờ 24 tháng, thậm chí có những dự án lên tới 36 tháng! “Như thế thì mất hết cơ hội thu hút đầu tư vào  dự án, còn đâu mà kinh doanh; vì kinh doanh qua công nghệ bây giờ bên bán không đợi bên mua” - ông Phạm Hồng Điệp nói.

Tương tự, để thành lập doanh nghiệp chế xuất trong KCN theo Nghị định 82 (tháng 5-2018) thì phải có ý kiến của Cơ quan Hải quan có thẩm quyền khẳng định, về “Khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan”. Quy định này gây khó cho cả nhà đầu tư và cơ quan Hải quan. Bất cập này mãi đến tháng 5-2022 mới được tháo gỡ bằng Nghị định 35/2022/NĐ-CP. “Trong suốt 4 năm đó việc thành lập doanh nghiệp chế xuất trong KCN vừa khó khăn, phức tạp, lại không minh bạch” - Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt trời Mới, Ủy viên BCH VIPFA nói.

Cũng theo Luật sư Bùi Văn Thành, hiện nay việc thay đổi, điều chỉnh bổ sung quy định pháp lý vẫn chưa theo kịp thực tế, nhất là hoạt động đầu tư ở các KCN, thậm chí còn vướng mắc ở cả 3 cấp độ: Thiếu đồng bộ, văn bản dưới luật không rõ ràng, thực thi theo cảm tính...

Tuy Nghị định 35 được cho là ưu việt hơn, kỳ vọng tạo ra bước tiến lớn trong việc phát triển những mô hình KCN, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, nhưng cũng không phải không còn bất cập, thậm chí có những quy định thiếu rõ ràng. Ví dụ, một trong những quy định trong Nghị định 35, là chuyển đổi KCN sang “KCN sinh thái” - nghĩa là KCN phải “sạch hơn”. Nhưng như thế nào là sạch hơn thì vẫn chưa có những quy định cụ thể, trong khi Nghị định đã ban hành hơn 2 năm!

Ông Chu Đức Tâm- Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty SM Tech Vina Engineering, Lô N1-7, KCN Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, xã An Hoà, huyện An Dương, T.P Hải Phòng, chia sẻ: “Nghị định 35 vẫn nhiều bất cập, thiếu rõ ràng. Nên mặc dù chúng tôi muốn hướng tới sự phát triển bền vững hơn, theo kịp xu thế và đòi hỏi của thời đại, nhưng không dễ. Hầu như ngày nào tôi và Luật sư Bùi Văn Thành cũng có câu hỏi của doanh nghiệp nhờ giải đáp”.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2021, thì đến năm 2030 diện tích đất phát triển KCN sẽ đạt khoảng 210.930ha. Như vậy, từ nay đến năm 2030 sẽ phải có thêm khoảng 120.000ha KCN (gấp rưỡi hiện nay), mà thời gian thì chỉ còn khoảng 6 năm nữa! Đó là chưa nói tất cả các KCN phải được xây dựng theo mô hình mới: KCN sinh thái.  

Câu chuyện khoảng trống trong KCN và “khoảng trống quy định” được dẫn ra trên đây cho thấy vẫn là vấn đề thể chế chính sách chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ - thêm một lần nữa nhấn mạnh, việc tránh không để lặp lại tình trạng “nghị định chờ thông tư”; không để tình trạng mà một quy định nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến vướng mắc, ách tắc.

Có như vậy đất nước mới phát triển, nền kinh tế mới quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, để đạt được khát vọng như Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng.

Phạm Trường Nhân