Rất bất ngờ khi TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư vừa phân tích thực trạng tình hình kinh tế trong nước, đã thẳng thắn nói: “Nhiều số liệu báo cáo cho rằng kinh tế nước ta đang đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng phục hồi, là không phản ánh đúng, nếu như không muốn nói là, “bốc” lên quá!

Theo ông, có những số liệu thống kê không phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế, thậm chí có biểu hiện “làm số”. Ví dụ, trong thống kê xử lý nợ xấu, cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%, đến cuối tháng 1-2024 là 4,79%. Nghĩa là theo báo cáo thì kết quả xử lý nợ xấu năm sau cao hơn năm trước và đã xuống dưới 5%, nhưng thực chất nợ xấu không giảm được bao nhiêu, chủ yếu vẫn là xử lý kiểu “gom lại, đắp chiếu để đấy”. Lẽ ra phải phản ánh đúng thực tế của nợ xấu, để thấy được khó khăn của môi trường kinh doanh, mới tập trung tìm giải pháp tháo gỡ.  

Hay như, trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, tuy báo cáo là “đã phục hồi” với số liệu thống kê năm sau tăng so với năm trước, nhưng là tăng so với năm 2023 đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, hầu hết tăng trưởng âm. Ví dụ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I-2024 tăng 5,7% so với cùng quý năm 2023. Nhưng năm 2023 là mức âm (-2,3%); trong khi những năm trước Covid-19, mức tăng trưởng phải hơn 10-15%.

Kể cả giá trị tăng thêm (VA) toàn ngành công nghiệp, quý I-2024 ước tính tăng 6,18%, cũng là so với mức âm (giảm 0,82%) quý I-2023; xuất khẩu quý I- 2024 có mức tăng bất thường tới 17% nhưng là tăng, tính từ mức âm (giảm 11%) của quý I-2023. Lại có cả số liệu thống kê mâu thuẫn giữa giá trị tăng thêm của công nghiệp quý I-2024 là 6,18%; trong khi giá trị sản xuất công nghiệp lại giảm 5,7%!...  

Còn cán cân thương mại tuy đang xuất siêu, nhưng chủ yếu đều từ khu vực FDI. Nghĩa là FDI đang lấn lướt khu vực kinh tế trong nước, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng!

Thực tế, các động lực tăng trưởng và tổng cầu của nền kinh tế đã sụt giảm khá mạnh trên cả ba lĩnh vực: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Rủi ro tích tụ từ nhiều năm nay đang tăng dần, như thị trường bất động sản vẫn gần như bất động, mà giá lại vẫn “neo” ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ bong bóng mới; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng từ 2,03% (cuối năm 2022) lên 4,55% (năm 2023) và tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1-2024 là 4,79%. Ngay như dịch vụ là một động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, nhưng  tốc độ tăng của dịch vụ cũng giảm; đóng góp tăng trưởng của dịch vụ cũng thấp đi, quý I-2024 chỉ còn 6,12%...

Cũng chính vì những khó khăn của nền kinh tế, mà quý I-2024 có gần 74.000 doanh nghiệp rời thị trường (tăng 22,8% so với quý I-2023), trong khi chỉ có 36.200 doanh nghiệp mới được thành lập, đưa tổng số doanh nghiệp giảm lên 14.100 doanh nghiệp (bình quân một tháng giảm 4.700  doanh nghiệp) - chưa bao giờ Việt Nam có tình trạng số doanh nghiệp rời thị trường lại lớn hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường như những tháng gần đây.  

Không có đầu tư thì không có tăng trưởng. Đã vậy, đầu tư công thời gian qua đã không phát huy được vai trò dẫn dắt đầu tư tư nhân như chủ trương, định hướng của Đảng; không tạo được lan tỏa nên vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng rất thấp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy có cải thiện về tổng số vốn đăng ký nhưng quy mô dự án ngày càng nhỏ - ngược với mong muốn “thu hút đại bàng” với những dự án  FDI quy mô lớn chất lượng cao.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh còn chỉ ra một thực trạng nữa, là đầu tư tư nhân cũng đang chững lại và có dấu hiệu suy giảm. Ông nói: “Đầu tư tư nhân tăng 2-3% là trên danh nghĩa, còn thực chất nếu loại trừ yếu tố giá, có thể là tăng trưởng âm”. Còn PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân thì cảnh báo: “Tổng cầu nền kinh tế mà sụt giảm trên cả ba lĩnh vực: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế và gây ra các hậu quả, như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân”...

Theo các chuyên gia kinh tế, những khó khăn của nền kinh tế nước ta là nằm trong khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, vừa do những nguyên nhân khách quan và chủ quan ở tầm quốc tế - mà phạm vi bài viết chưa đề cập hết được; những phân tích, đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế nước ta là để vừa có giải pháp đúng, chính sách đúng; vừa mang tính gợi mở với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong định hướng điều hành nền kinh tế, trước mắt là thời gian còn lại của năm 2024 - khi thế giới đang đầy bất định, bất ổn; rất bất an và bất thường.

Phạm Chí Nhân