Năm 2025 kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng tích cực với nhiều yếu tố thuận lợi, nhưng vẫn đan xen những thách thức từ bên ngoài khó dự báo. Tuy nhiên Chính phủ vẫn lạc quan đặt mục tiêu GDP đạt 7,5% (tối thiểu giữ ở mức 7%).
Các yếu tố tạo tiền đề triển vọng cho kinh tế nước ta phát triển phải nói đến vai trò của xuất khẩu, khi mà thương mại toàn cầu phục hồi; chính sách bảo hộ thương mại từ Mỹ; Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng sẽ tác động tích cực đến một số ngành, nghề của Việt Nam tăng theo nhờ chính sách mở cửa thông thương hai nước, như du lịch, nông sản và nguyên liệu thô… Trong nước, triển khai một số dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành cũng góp phần làm “chuyển động” nền kinh tế…
Ngân hàng Standard Chartered dự báo, nếu không xảy ra những diễn biến về chính trị trên thế giới phức tap hơn thì đồng USD có thể suy yếu trong nửa đầu năm 2025 và mạnh lên từ cuối năm và tỷ giá USD/VND giao động quanh mức 25.450 đồng/USD vào quý II-2025. Từ quý III-2025 tăng dần lên, do các chính sách mới của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng kịch bản nhằm tiếp tục điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, sử dụng các công cụ như bán ngoại tệ can thiệp, điều chỉnh lãi suất và quản lý cung cầu ngoại tệ nhằm duy trì ổn định thị trường ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Tuy vẫn con một số yếu tố có thể tác động bất lợi đến đà tăng trưởng kinh tế trong nước chưa dự báo ngay được; nhất là những biến động địa chính trị, như xung đột và cạnh tranh giành giật thị trường giữa các nước lớn nếu gia tăng, hoặc nảy sinh những xung đột mới sẽ tác động xấu đến nền kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam; thậm chí Việt Nam sẽ trong số những nước bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì dư địa xuất khẩu lớn. Ví dụ, nếu các xung đột lớn tiếp tục kéo dài hoặc leo thang ở Nga - Ukraine, hay căng thẳng Mỹ - Trung, thì môi trường đầu tư và thương mại quốc tế sẽ tác động tiêu cực ngay đến phát triển kinh tế của Việt Nam - vì đều là những nước có mối quan hệ sâu với nước ta.
Rõ nhất là “chiến tranh thương mại” và chính sách bảo hộ của các nước lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc tiếp tục áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại thì các ngành như dệt may, điện tử và thủy sản nước ta sẽ gặp thách thức trong xuất khẩu. Nếu các ngân hàng T.Ư lớn, như Fed (Mỹ) và ECB (EU) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, đồng USD mạnh lên có thể gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Điều này làm tăng chi phí nhập khẩu và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
Một khía cạnh khác nữa là, hiện nay các Hiệp định thương mại tự do (FTA), như EVFTA, CPTPP, RCEP vẫn tạo ra cơ hội tốt cho kinh tế Việt Nam, nhưng nếu các nước tham gia có thay đổi chính trị thì kéo theo các lợi ích từ các hiệp định này có thể bị suy giảm. Điển hình như những năm vừa qua xung đột giữa Nga - Ukraine đã không chỉ làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, mà còn tăng chi phí sản xuất cả ở Việt Nam. Thời sự nhất là tình hình chính trị tại các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đã ảnh hưởng ngay đến quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn. Nhưng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, dòng vốn đầu tư này có thể trở nên bất ổn. Hay như xung đột tại các khu vực giàu tài nguyên, như Nga - Ukraine; bất ổn tại Trung Đông; các tranh chấp trên Biển Đông có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, ảnh hưởng đến dòng thương mại hàng hải, vốn rất quan trọng đối với Việt Nam, đã đẩy giá dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu. Đồng thời làm tăng giá năng lượng, tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và tiêu dùng.
Có thể khái quát là, tình hình chính trị thế giới mang lại cả cơ hội và thách thức. Nếu chuẩn bị kỹ lưỡng và chính sách linh hoạt, năm 2025 Việt Nam hoàn toàn có thể biến thách thức chính trị toàn cầu thành cơ hội thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách kinh tế, cải cách thể chế và ứng phó linh hoạt với biến động quốc tế. Nhất là cải cách thể chế được xem là nền tảng quan trọng của tăng trưởng và là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Thực tiễn đã chứng minh, sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam được tạo ra nhờ những cải cách về thể chế để tháo gỡ các rào cản đối với hoạt động kinh tế, khơi thông nguồn lực từ xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn những khó khăn như hiện nay, lại càng cần nhiều giải pháp cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa, lắng nghe thị trường, tiếng nói phản biện của doanh nghiệp, tạo ra được không gian rộng mở hơn cho doanh nghiệp, người dân, từ đó vừa hoàn thiện thể chế vừa tạo ra môi trường tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển trong mọi tình huống.
TS. Phạm Đình Lâu