Tổng thống Nga - Putin bắt tay lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un trong cuộc gặp ở vùng Viễn Đông ngày 13-9.

Chuyến thăm Nga kéo dài gần 1 tuần của nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un thu hút sự chú ý lớn của dư luận khi chuyến thăm này có thể là tiền đề để Nga và Triều Tiên thành lập một liên minh mới, tác động sâu sắc đến tình hình an ninh ở Đông Bắc Á và đặc biệt là cuộc xung đột Nga- Ukraine.

Quả thực, xét tới việc Thủ tướng Nhật Bản - Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol đến Maryland (Mỹ) để dự Hội nghị thượng đỉnh Trại David với Tổng thống Mỹ - Joe Biden để củng cố liên minh Mỹ - Nhật- Hàn thì việc hình thành liên minh Nga - Triều hay khả năng là liên minh Nga -Trung - Triều sẽ khiến cấu trúc an ninh ở cả châu Á và châu Âu thay đổi. Nếu vậy, nguy cơ về một thế giới phân cực đã hiển hiện.

Thế nhưng, trước hết nên tìm hiểu về chuyến thăm Nga của ông Kim Jong Un - chuyến công du tới Nga lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019 của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim Jong Un tới Nga ngày 12-9. Ngày hôm sau, ông hội đàm với Tổng thống Nga - Vladimir Putin tại sân bay vũ trụ Vostochny, tỉnh Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nêu rõ: “Hai bên đã trao đổi ý kiến mang tính xây dựng về các vấn đề thực tế phát sinh nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp chiến lược và chiến thuật, hợp tác và trao đổi lẫn nhau giữa lực lượng vũ trang hai nước cũng như trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh”. Ông Kim Jong Uncũng đi thăm các địa điểm quân sự và công nghệ quan trọng, gặp nhiều quan chức cấp cao.

Tiếp đó, ngày 16-9, ông Kim Jong Un đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu về việc tăng cường hợp tác và trao đổi quân sự song phương tại Vladivostok. Cùng ngày, ông đến thăm căn cứ không quân Knevichi và tham quan hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược, máy bay chiến đấu đa nhiệm và các máy bay quân sự khác. Trong ngày cuối, 17-9, ông Kim tham quan Đại học Liên bang Viễn Đông ở đảo Russky và xem trình diễn hải mã tại thủy cung Nga trước khi lên tàu về nước.

Theo người phát ngôn điện Kremlin - Dmitry Peskov, lãnh đạo Nga và Triều Tiên không ký kết các văn bản thỏa thuận cụ thể nào trong chuyến thăm này. Thế nhưng, chuyến thăm nào cũng phải có mục đích của nó. Cho dù cả Nga và Triều Tiên không tiết lộ mục đích chuyến thăm nhưng việc ông Kim Jong Un thăm nhiều cơ sở quân sự, “thực mục sở thị” những khí tài cấp chiến lược trong thời gian dài là điều giới quân sự, chính trị quan tâm trước một thực tế hiển nhiên là Nga và Triều Tiên đang hướng tới phá vỡ những tảng băng bao vây, cấm vận và trừng phạt đến từ Mỹ và phương Tây. Bên cạnh đó,hai bên có thể có nhiều mục đích hợp tác khác, đặc biệt là hợp tác về hàng hải quân sự và dân sự. Chuyến thăm Nga lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng là câu trả lời của Triều Tiên đối với các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc với Mỹ cả trên không, trên biển và trên bộ. Mặc dù Nga và Triều Tiên chỉ có đường biên giới chung trên bộ dài trên dưới 70 km, nhưng chừng đó cũng là đủ để hai bên phát triển các hành lang giao thông đường sắt và đường bộ. Ngoài ra, các vấn đề hợp tác về kinh tế và công nghiệp, nhất là công nghiệp quốc phòng chắc chắn là các mục tiêu chung của cả hai bên.

Một lý do của chuyến thăm mà giới quân sự cho là cấp thiết hơn vì Bình Nhưỡng lại có thứ mà Moscow đang rất cần: Đạn pháo. Triều Tiên được cho là đang sở hữu một kho đạn pháo khổng lồ trong khi Nga - dù đã tăng tối đa năng lực sản xuất - vẫn không đủ cho nhu cầu ở chiến trường. Theo các phân tích từ những ngày đầu chiến sự, bên cạnh việc sử dụng máy bay không người lái và các vụ tập kích tên lửa, về cơ bản, phương thức chiến đấu của cả Nga và Ukraine hiện nay vẫn giống như thời Chiến tranh thế giới lần thứ 2 khi các bên sử dụng chủ yếu bộ binh, pháo binh và tăng -thiết giáp để chiến đấu. Với cách đánh này, nhu cầu về đạn pháo là rất lớn. Việc Mỹ và phương Tây ủng hộ đạn pháo cho Ukraine bằng cách huy động tất cả nguồn lực vũ khí, khí tài từ thời Liên Xô để đưa ra chiến trường rồi tổng lực gom tiền để đẩy nhanh quy trình sản xuất đạn cho thấy nhu cầu đạn pháo rất cao của cả hai bên.

Như vậy, việc Triều Tiên và Nga - hai quốc gia đang chịu hàng chục nghìn lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây - liên minh sẽ không phải là điều bất ngờ. Trong mối quan hệ đối tác mới này, tất nhiên cả Nga và Triều Tiên đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc các quốc gia liên minh để đối đầu nhau mà không có giải pháp ngoại giao để hóa giải căng thẳng sẽ đẩy thế giới lún sâu vào vòng xoáy xung đột và chiến tranh.

Thanh Huyền