Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, Trung Quốc và Afghanistan tại vòng đối thoại ở Islamabad (Pakistan), ngày 6-5.

Kể từ tháng 8-2021, sau cuộc nổi dậy kéo dài 20 năm chống lại lực lượng liên quân do Mỹ lãnh đạo ở Afghanistan, tới nay Taliban vẫn chưa được quốc gia nào chính thức công nhận là chính quyền hợp pháp ở nước này. Thế nhưng, Taliban vẫn có chính quyền với đủ các chức vụ như các quốc gia khác và người dân Afghanistan vẫn phải sống cho dù cuộc sống có hà khắc và khó khăn. Trong khi nhiều nước quay lưng, cắt giảm viện trợ cho Afghanistan tạo ra khoảng trống lớn trong quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế thì Trung Quốc và Afghanistan đã lấp đầy khoảng trống này khi lợi ích với các bên là hiển hiện.

Người dân Afghanistan đang phải đối mặt với một thảm họa nhân đạo. Sự trở lại của Taliban cùng với luật lệ Hồi giáo hà khắc khiến cuộc sống bị đảo lộn ở một đất nước có chiến tranh triền miên. Viện trợ cho Afghanistan sẽ giảm mạnh trong năm nay do các nước tài trợ phản đối những hạn chế mà chính quyền Taliban áp đặt đối với nhân viên viện trợ nữ. Kể từ khi lật đổ chính phủ tại Afghanistan năm 2021, chính quyền Taliban cũng thắt chặt kiểm soát đối với việc phụ nữ tiếp cận đời sống công cộng, bao gồm việc cấm phụ nữ học đại học và đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh. Taliban nói rằng họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo cách giải thích nghiêm ngặt về Luật Hồi giáo. Bên cạnh đó, giới chức Taliban cho rằng các quyết định về nữ nhân viên cứu trợ là "vấn đề nội bộ".

Lượng hóa khó khăn của Afghanistan qua nguồn viện trợ là cách hiểu dễ nhất về tình cảnh kinh tế của đất nước này. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc - Antonio Guterres tuần qua đã cảnh báo rằng cam kết tài chính cho lời kêu gọi nhân đạo của ông trong năm nay đã chỉ được thực hiện được hơn 6%, thiếu quá nhiều so với 4,6 tỷ USD cần thiết cho một quốc gia nơi phần lớn dân số sống trong cảnh nghèo đói. Người đứng đầu Liên Hợp quốccho biết: Hiện 97% dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 60% dân số cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay.

Trong khi các nước quay lưng với Afghanistan thì Pakistan và Trung Quốc lại không làm ngơ vì những lợi ích rõ ràng về an ninh và kinh tế. Ngày 9-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Uông Văn Bân cho biết: Lãnh đạo ngoại giao ba nước đã có cuộc hội đàm sâu rộng về nhiều vấn đề và đạt được những hiểu biết chung về quan hệ láng giềng tốt đẹp, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác an ninh, chống khủng bố, kết nối, thương mại và đầu tư.

Quan hệ giữa Pakistan và chính quyền Taliban ở Afghanistan có những thời điểm căng thẳng trong năm qua. Pakistan gần đây quan ngại về các cuộc tấn công của Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) - nhóm vũ trang có quan hệ với cả tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda và Taliban. Islamabad đã kêu gọi chính quyền Taliban gia tăng hành động để trấn áp các nhóm chống Pakistan như TTP. Với cơ chế hợp tác mới được thiết lập, Pakistan sẽ có niềm tin hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong khi đó, Pakistan cũng đang phải đối mặt với những khó khăn chồng chất về kinh tế và hợp tác với Kabul và Bắc Kinh ắt sẽ mang lại lợi ích cho Islamabad trong tình cảnh hiện nay.

Theo cơ chế hợp tác mới được công bố, Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan đã nhất trí thúc đẩy quan hệ kinh tế bằng cách mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sang Afghanistan nhằm khai thác triệt để tiềm năng của quốc gia này như trung tâm kết nối khu vực. Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết: Bắc Kinh sẵn sàng cùng Afghanistan và Pakistan nỗ lực thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu và Sáng kiến văn minh toàn cầu.

Các sáng kiến nêu trên là sáng kiến của Trung Quốc, đối trọng với các sáng kiến hay các khối liên kết do Mỹ và phương Tây dẫn dắt. Trong khi Bắc Kinh đang thực hiện Chiến lược Vành đai - Con đường, việc kết nối chặt chẽ hơn sang phía tây qua Pakistan sang Afghanistan là một nhánh rất quan trọng cho chiến lược này của Trung Quốc. Khi mà một Afghanistan với nhiều tài nguyên thiên nhiên đang chơi vơi vì bị cấm vận, việc Bắc Kinh mở lòng hợp tác với chính quyền của Taliban sẽ lấp đầy khoảng trống mà phương Tây đã tạo ra sau khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan để Taliban lật đổ chính quyền ở Kabul.

Thanh Huyền