Ông Đương sinh năm 1949 (Kỷ Sửu). Bà sinh năm 1957 (Đinh Dậu). Ông rất tự hào về cái sự bà để ý đến ông, rồi yêu ông. Cả thời thanh xuân, ông đánh giặc ở mặt trận Quảng Đà, bị chất độc da cam Mỹ cướp mất 61% sức khoẻ, nếm trải tù đày nhà lao Phú Quốc. Tháng 3 năm 1973, địch trao trả, ông trở lại quân ngũ, tham gia chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng. Đất nước thống nhất, ông phục viên, sốt rét dai dẳng, bộ dạng xanh xao như người có sâu... Ấy thế mà cô gái làng Phạm Thị Tăng 19 tuổi, đẹp như quả vải đầu mùa, đã đón ông, chỉ vì “đôi mắt anh biết nói điều nhân hậu và biết hát lời yêu thương”...
Ông bà sinh 4 người con, nay đã đề huề cháu nội cháu ngoại. Ông tâm sự: "Cuộc sống của gia đình tôi, “vo tròn bóp bẹp” đều có tình yêu thương của bà nhà tôi che chắn, gánh gồng. Bù đắp bao nhiêu cho bà ấy, tôi vẫn cứ thấy thiếu... Thế là tôi "quay sang làm thơ tặng vợ”!
Kỷ niệm ngày đầu gặp nhau, ông đưa bút: “Nhìn nhau em thẹn bước nhanh/ Má hồng ửng đỏ dưới vành nón the/ Khẽ gọi, em cũng thầm nghe/ Nhưng lòng em vẫn ấp e ngại ngần/ Ngập ngừng cũng muốn dừng chân/ Con tim lay động, phân vân bồi hồi”...
Ông tâm sự về “chữ Nhân”, hóa ra là có phải gì cao siêu. “Nhân” chỉ giản dị như tình cảm vợ chồng ông: “Cuộc đời nghèo đói một thời/ Vợ chồng vất vả lần hồi cháo rau/ Mình về cuốc đất trồng màu/ Để tôi chạy chợ buôn cau, bán hồng/ Dạy con cháu giữ sạch lòng/ Giúp người nghèo khổ một đồng, một chinh/ Trước sau hoà hợp nghĩa tình/ Bụng người như cũng bụng mình mà thôi/ Giữ trong sạch được cái tôi/ Giàu ba họ, khó ba đời... ai đâu/ Để tâm, để đức mai sau/ Bóng chiều đã xế, mình giàu “cái Nhân”/ Trăm năm vĩnh biệt đời trần/ Tay xuôi ôm bụng “chữ Nhân” đủ rồi!”.
Năm 2007, bà tròn 50 tuổi, ông tặng bà bài “Vợ tôi”: “Mảnh mai thân liễu cành giang/ Đầu đội chữ Hiếu, vai mang chữ Tòng/ Nắng mưa chăm chỉ ruộng đồng/ Tủi buồn em chịu để chồng, con vinh/ Hiếu trung trọn đạo vẹn tình/ Cơm nhường phần mẹ, sữa mình nuôi con/... Vợ chồng có lúc mưa ngâu/ Thoảng qua, nắng ấm bên nhau thuận hoà/ Ấm êm hạnh phúc tuổi già/ Gương soi con cháu, tôi bà càng trong/ Ai đong đếm được nước sông/ Thơ tôi hết nghĩa tấm lòng vợ tôi”.
Một ngày giữa hạ, ông đưa bà lên phố huyện trông cháu nội mới sinh. Câu thơ “Đưa bà lên phố” nảy ngay trong phút đầu tạm biệt: “Đưa bà đến cửa xe rồi/ Bước lên còn ngoái, dặn tôi mấy điều/ Dáng hình “thục nữ liêu xiêu”/ Bỗng đâu tuổi trẻ bao điều hiện ra/ Đồng gần cho chí đồng xa/ Chồng cày, vợ cấy cháy da nắng hè/ Mùa đông giá lạnh tái tê/ Về nhà đã tắt bóng hoè từ lâu/ Đầu thềm, ngồi tạm mo cau/ Con ra rúc vú, xoa đầu mẹ yêu/…/ Vẫn đôi chân bước liêu xiêu/ Hôm nay lên phố để yêu cháu bà”.
Đúng là một bước đi, bỗng thấy cả một đời!
Ông Đương còn nhiều bài thơ khác nữa để tặng người vợ yêu quý. Có điều, lời mở đầu của tập thơ ấy không phải một áng văn cầu kỳ, bay bướm, không phải một bài thơ tình thông thường, mà là bài thơ viết về cây vải tổ - “Cây vải trước nhà”, vẻn vẹn có sáu câu lục bát: “Trăm năm, tuổi cũng đã thừa/ Vẫn cho trái ngọt mát trưa nắng hè/ Cháu con nhớ cội đi về/ Dưới cây, ăn trái mà nghe vẹn lời/ Tâm có mát, cây mới tươi/ Trông cây lại nhớ tới lời cố nhân”. Bài thơ này cùng với bài “Đưa bà lên phố” được ông “phổ nhạc” theo điệu Cò lả (dân ca Đồng bằng Bắc bộ). Những ngày con cháu về sum họp, cả nhà lại đàn ca bên gốc vải, tình đời qua câu hát, tiếng đàn dạt dào, sâu lắng. Những lúc như thế, ông bà như thấy mình trẻ thêm ra...
Phạm Xưởng