Giải bài toán năng lượng cho phát triển, nhất là năng lượng sạch, là vấn đề hóc búa của rất nhiều quốc gia. Trong nỗ lực này, Đức thực sự là quốc gia tiên phong khi có những quyết định đột phá.
Ngày 15-4, Đức chính thức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, qua đó chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài 6 thập kỷ qua để nỗ lực thực hiện tăng trưởng xanh mà không cần năng lượng nguyên tử. Ba nhà máy bị đóng cửa là Isar II, Emsland và Neckarwestheim II.
Việc đóng cửa các nhà máy trên diễn ra chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch, do cuộc khủng hoảng giá năng lượng xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine. Thay vì phải đóng cửa vào ngày 31-12-2022, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý kéo dài tuổi thọ các nhà máy thêm 3 tháng, đến ngày 15-4. Ba nhà máy này đã cung cấp 5% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Đức trong 3 tháng qua.
Như vậy kể từ năm 2003 đến nay, Đức đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, làm giảm mạnh tỷ trọng năng lượng cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Trong năm ngoái, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm tới 44%, tăng gần 1,8 lần so với mức 25% cách đây một thập niên. Đức hiện đang nỗ lực thực thi kế hoạch sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo vào năm 2035.
Tấm gương của Đức về chuyển đổi sang năng lượng xanh không nên chỉ nhìn vào số lò phản ứng hạt nhân đã bị đóng cửa mà chính ở con số 44% năng lượng ở Đức được sử dụng hiện nay là năng lượng tái tạo.
Nam Long