Học viên Nguyễn Xuân Lang (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội tại Trường trung cấp Quân y, năm 1970.

Tôi gặp thương binh Nguyễn Xuân lang ở Hải Phòng, dịp Câu lạc bộ CCB yêu thơ tổ chức kỷ niệm 7 năm thành lập. Suốt 1 ngày bên nhau mà tôi và ông rất ít trò chuyện. Nhìn dáng người đậm chắc, khuôn mặt hiền lành của ông, tôi nghĩ đây là người kiệm lời, chắc chắn.

Nhưng đến khi biết tôi đang làm ở Báo CCB Việt Nam thì ông sôi nổi, hào hứng chuyện trò nhiều hơn, cởi mở hơn, cả chuyện về quê hương, bản quán, nơi ông ở, xãTân Lập, huyện Đan Phượng, T.P Hà Nội;  nhập ngũ tháng 12-1969 vào Sư đoàn 320, huấn luyện chiến sĩ mới xong, được cử đi học trung cấp quân y. Ra trường, ông được phân công về Ban Quân y Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B, gồm 2.000 chiến sĩ quê Thái Bình, Sau 3 tháng tháng huấn luyện, đầu năm 1972, đơn vị vào chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị vô cùng ác liệt, nhất là từ cuối tháng 6,  bộ đội ta thương vong nhiều, bởi bom, pháo và các trận đánh, giành, giữ chốt. Đơn vị nào cũng phải có nhiều đợt bổ sung quân… Nhưng chuyện khiến tôi bị xúc động nhất lại là câu chuyện ở Trạm phẫu của đơn vị ông.  

 Ông kể: “Trạm phẫu của đơn vị tôi là căn hầm dựng khung gỗ, ken phên che kín phía trên rồi phủ đất lên, đặt  trong vườn nhà ông Đoàn Văn Ngụ, làng Đầu Xênh, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong - bên bờ Bắc sông Thạch Hãn, còn phía bờ Nam là Thành Cổ. Vị trí này rất thuận tiện cho việc tiếp nhận và vận chuyển thương binh. Gọi là trạm phẫu, nhưng thiếu đủ bề, ánh sáng cho mỗi ca mổ phải dùng máy phát điện quay tay... Nhất là thời gian ấy, thương binh nhiều, anh em phải làm cật lực đêm ngày. Đói khát, gian khổ thì còn cố sức khắc phục, nhưng  thiếu  thuốc và dụng cụ y tế thì không thể lấy gì thay thế được. Nhất là thuốc gây mê trong mổ, mỗi khi tiểu phẫu hay đại phẫu chỉ có thuốc giảm đau là Atropin hay Novocaine, khiến những thương binh nặng đã kiệt sức còn phải gồng mình chịu đau. Nhiều ca, thương binh ngất lịm vì không được gây mê khiến chúng tôi không cầm được nước mắt...

Tôi không thể nào quên được, đêm trực hôm ấy, trong số thương binh nằm “hậu phẫu” có một cậu chiến sĩ rất trẻ, đưa từ Hải Lăng về nhập trạm từ chiều. Được chỉ định mổ ngay, nhưng vừa mở khoang bụng thì thấy gan vỡ, ruột đứt nhiều đoạn. Thương quá! Nhìn thân hình gầy gò, nước da tái dại do bị mất máu nhiều lại càng thương. Từ chập tối, hầu như cậu tamê sảng, lúc lại lịm đi. Mỗi khi tỉnh dậy, miệng cậu mấp máy “Nước, uống nước...” là tôi lại dùng xi lanh bơm mấy giọt nước vào đôi môi khô nứt.

Đến nửa đêm, cậu chợt tỉnh hơn và thều thào: “Anh ơi, đằng nào em cũng không sống được, anh cho em uống nước đi, khát quá”. Không cầm được lòng, tôi bơm cho cậu nửa xi lanh. Nuốt những giọt nước với vẻ khó khăn nhưng khuôn mặt trẻ như giãn ta, mãn nguyện... Đêm ấy... cậu ra đi, tay nắm chặt túi áo ngực, trong đó tôi thấy một lá thư nên giữ lại. Sửa sang thân thể cậu  ngay ngắn, tôi bàn giao cho anh em bên C25 làm nhiệm vụ chôn cất rồi mở lá thư ra đọc.

Thư được viết từ Hà Bắc, nét chữ nắn nót, rắn rỏi. Chỉ đọc một lần, những lời của người cha nói với con trai đã in vào tâm trí tôi đến tận hôm nay, dù sau hơn nửa thế kỷ: Bố đã nhận được thư của con. Con báo tin đơn vị con đã được nhận nhiệm vụ vào chiến trường chiến đấu, bố mẹ rất vui. Thật vinh dự cho gia đình ta đã có con tham gia bảo vệ Tổ quốc. Phần gia đình ở quê, bố báo tin cho con biết, đại gia đình ta hai bên nội ngoại vẫn mạnh khỏe cả. Con ở đơn vị cứ yên tâm công tác, vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Còn các em ở nhà, con không phải lo lắng nhiều. Bố mẹ sẽ cố gắng cho các em ăn học đầy đủ. Các em con thường động viên nhau cố gắng học tập giỏi, mai ngày anh về sẽ có quà thưởng...

Tôi lặng người đau xót và càng thương cảm hơn khi được biết, cậu chiến sĩ quê Hà Bắc đó mới nhập ngũ được 2 tháng 25 ngày”.

Trong cái kết của câu chuyện bi tráng ấy, tôi cảm nhận được cả nỗi ưu tư và niềm cảm phục, tự hào của CCB Nguyễn Xuân Lang về những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường.

                                                                                      Vũ Quang Huy