Cố Phó thủ tướng Vũ Khoan.

Hè -Thu năm 1980, trong quan hệ Việt Nam - Liên Xô diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam; Chuyến bay vũ trụ trên tàu Liên hợp-37 của phi công Phạm Tuân; Đại hội Thể thao Olimpic Moskva mà Việt Nam lần đầu tiên tham gia.. Trong tình hình đó, để giúp “giảm tải’ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Liên Xô, Đại sứ Nguyễn Hữu Mai đã ra quyết định tạm tuyển một nhóm khoảng 20 sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô, ở lại công tác từ tháng 6 đến giữa tháng 9-1980 (người viết bài này nằm trong số nhóm cựu sinh viên ấy).

Bốn nguyên tắc “vàng”

Tập trung về ĐSQ, anh em chúng tôi chủ yếu làm các công việc: Phiên dịch và dịch tài liệu phục vụ lãnh đạo ĐSQ làm việc với các đối tác; tháp tùng, dịch cho các đoàn từ trong nước sang Liên Xô làm việc hay dừng chân ở Moskva; phục vụ các sự kiện do ĐSQ tổ chức… Vị trí công tác này đã tạo cơ hội để chúng tôi lần đầu tiên được tiếp xúc và được nghe các vị lãnh đạo cấp cao Đảng - Nhà nước như Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Xuân Thủy.., nhà báo lão thành Đào Tùng, các phi công Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm… nói chuyện. Cá nhân tôi đã phục vụ 4 đoàn sang công tác, trong đó có đoàn Phó chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và đoàn Ban Dân vận T.Ư do Nhà văn, Phó trưởng ban Trần Bạch Đằng dẫn đầu.

Trong 3 tháng ngắn ngủi đó, chúng tôi làm việc dưới sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của ông Vũ Khoan - sau là Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, vào thời gian đó là Tham tán sứ quán - người lãnh đạo thứ ba của ĐSQ sau Tham tán Công sứ (Phó đại sứ) Tạ Hữu Canh và Đại sứ Nguyễn Hữu Mai.

Điều ấn tượng nhất đối với tôi, người vừa hôm qua còn ngồi trên ghế nhà trường - non kinh ngiệm mà lại đầy tính hàn viện, là trình độ uyên thâm, sự chân tình, chu đáo của ông Vũ Khoan. Là một nhà ngoại giao lão luyện, trước mỗi chuyến anh em đi công tác hay trước khi giao tài liệu dịch thuật, ông đều gặp gỡ, nói rõ yêu cầu và gợi ý cách thực hiện tốt nhất; sau khi kết thúc công việc ông lại gặp trao đổi rút kinh nghiệm. Đặc biệt, với khả năng nói, viết, dịch tiếng Nga điêu luyện, ông thường nhắc nhở: “Trong dịch thuật, nhất là dịch miệng, ngoài kiến thức ngôn ngữ và văn hóa, người phiên dịch cần tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản: Đúng, đủ, chính xác; không tự trả lời; không thể hiện ý kiến cá nhân; không ngắt lời người được phục vụ… Thực tế, ông Vũ Khoan đã trở thành người thầy truyền cho những người làm công tác dịch thuật chúng tôi những bài học mà ai cũng vận dụng trong cả cuộc đời làm việc của mình.

Ngoài công việc chuyên môn, ông Vũ Khoan cũng rất quan tâm đến điều kiện ăn nghỉ, làm việc của mọi người. Tôi nhớ, vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1980, ĐSQ tổ chức chiêu đãi lớn, công việc rất nhiều, ông dặn Lễ tân dành riêng cho nhóm phiên dịch 3 mâm nguyên vẹn, “chúng nó không kịp ăn gì đâu”! Kết thúc bữa tiệc, mặc dù bản thân cũng rất mệt, ông xuống nhà bếp yêu cầu mở mấy chai vang Rustaveli hảo hạng “chúc mừng các em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Kết thúc đợt công tác, tôi nằm trong số hai - ba người được ông Vũ Khoan đề xuất với Đại sứ ký Công văn đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp nhận. Về nước, cuối tháng 9-1980, tôi đến Trụ sở Bộ Ngoại giao - tòa nhà cổ màu vàng nằm ở số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội và trình Công văn cho Vụ Tổ chức - Cán bộ. Qua lại 2-3 lần, câu trả lời là “Chờ”! Tôi chờ đến khi có Lệnh gọi theo tinh thần Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước thì nhập ngũ và công tác trong quân đội đến khi về hưu.

Đâu cũng được, miễn là làm cho tốt

Cuối năm 2008, tôi tham gia phục vụ một hội thảo cấp quốc gia về Biển Đông, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan là Diễn giả chính của hội thảo.

Giờ giải lao, tôi đến tìm gặp và chào ông, Nguyên Phó thủ tướng tỏ vẻ ngạc nhiên: “Tôi có biết anh”?

Thưa chú (năm 1980 chúng tôi gọi ông là “anh”), tháng 8-1980 cháu có may mắn được tháp tùng chú tại buổi tiếp khách của Đại sứ Indonesia tại Moskva. Hôm ấy, cháu dịch thuật ngữ “Continental shelf" là “Phần rìa lục địa” đã được chú chỉnh sửa là ‘Thềm lục địa”.

Tôi nhớ ra rồi, ông nhìn vào biển tên gắn trên ngực áo tôi, anh là một trong 2 người xuất sắc nhất trong nhóm sinh viên vừa tốt nghiệp được giữ lại ĐSQ (người kia là anh Vương Thừa Phong, sau là Đại sứ tại Anh rồi Phó trưởng ban Đối ngoại T.Ư/Đ.S).

Tôi chưa kịp thể hiện nỗi ngạc nhiên: Một sinh viên vừa ra trường được ông chỉ bảo trong khoảng thời gian rất ngắn và từ gần 30 năm trước mà ông vẫn nhớ, thì ông hỏi tiếp cơ duyên nào mà tôi lại phục vụ trong quân đội.

“Như vậy là “cụ” vẫn nhớ việc đề nghị tiếp nhận mình vào làm ở Bộ Ngoại giao, siêu thật!”, tôi nghĩ và vắn tắt kể lại chuyện năm xưa, trong đó hàm ý “không được may mắn lắm”.

Nghe xong, nguyên Phó thủ tướng liếc quân hàm gắn trên cầu vai quân phục tôi đang mang mặc, rồi nhỏ nhẹ nói: Không sao anh Song ạ, tôi thấy là anh cũng so so (tạm ổn) và tôi chúc mừng anh. Điều này cho thấy làm ở Ngoại giao hay Quân đội đều tốt, làm ở đâu cũng được, miễn là làm cho tốt. Thôi hết giải lao rồi chúng mình vào đi, cố gắng nhé!

Khi viết những dòng này thay cho nén nhang tưởng nhớ nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhân ngày Giỗ đầu ông (21-6-2024), tôi thầm cảm ơn số phận đã cho một con người nhỏ bé như mình cơ hội dù chỉ 3 tháng làm việc dưới quyền một Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, một Nhà lãnh đạo Đức, Trí, Nhân với những cống hiến lớn lao cho dân tộc và để lại những định đề mà ai cũng nên học tập, làm theo.

Đăng Song