Anh hùng LLVTND Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy chiếc xe tăng M48 số hiệu 35, tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Cho đến mùa hè 1966, sau khi tốt nghiệp phổ thông cấp II, bước sang tuổi 18, khỏe như lực điền, đã mấy lấn xin đi bộ đội mà không được chính quyền xã Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh đoái hoài, Đoàn Sinh Hưởng (sau là Trung tướng, Anh hùng LLVTND) tự hỏi không biết vì lẽ gì? Buộc lòng, anh phải gặp trực tiếp Xã đội trưởng để hỏi, thì được trả lời: “Yên chí, cứ ở nhà công tác tốt cũng là đánh giặc! Sẽ có công việc cho chú mày. Cấm kêu ca thắc mắc…”. Sau này qua dò hỏi, anh mới biết lý do là lãnh đạo xã có kế hoạch bồi dưỡng anh để đảm nhiệm chức Xã đội trưởng, hoặc làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp kiêm Bí thư Đoàn xã.

Biết ý định của lãnh đạo xã là vậy, nhưng đến ngày Bác Hồ kêu gọi quân và dân cả nước: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do…”, thì Đoàn Sinh Hưởng quyết đi bộ đội bằng được. Anh kể lại: “Một sáng đầu tháng 9-1966, đang cày ngoài đồng cùng với bố, tôi thấy một đoàn thanh niên trống giong cờ mở lên huyện khám tuyển để nhập ngũ. Sau một thoáng suy tính, tôi gửi trâu cho bố cày tiếp, rồi nhập vào đoàn đi khám tuyển. Nằn nì mãi, một anh trong đoàn khám tuyển của Huyện đội mới đồng ý bổ sung tên tôi. Kết quả, sức khỏe tôi xếp loại A…”.

Không thể không chấp nhận đề nghị quyết liệt của Đoàn Sinh Hưởng, lãnh đạo xã buộc phải đồng ý cho anh nhập ngũ đợt đó. Trước hôm lên đường, anh cùng bạn bè trai gái, có cả những đứa cùng nhập ngũ tập trung đi bắt ngao biển về nấu một nồi cháo ngao để liên hoan chia tay. Quà tặng của bạn bè là mấy chiếc phong bì thư, mấy con tem, chiếc khăn mùi soa…

Sáng ngày 29-9-1966, Đoàn Sinh Hưởng lên đường; chia tay bố mẹ, người thân trong gia đình và “cô hàng xóm”. Ngày ấy, từ Bình Ngọc vào Móng Cái phải qua bến đò. Bến nước mênh mang, nước xanh như ngọc. Số đông đưa tiễn đến bến đò thì dừng lại, còn một số thanh niên và người thân mới đi tiếp lên Huyện đội. Cảnh tình người ở lại hậu phương, người lên đường đi chiến đấu, đặc biệt là hình ảnh “cô hàng xóm” dừng lại trên bến đò là cảm hứng để Đoàn Sinh Hưởng viết bài thơ “Quê tôi”. Anh tâm sự: “…Bao người thân thương đưa tôi đến bến đò ngang, trong đó có cô hàng xóm. Người thì dừng bước ở bờ sông bên kia mà hồn cốt lại ruổi theo tối suốt dặm dài trận mạc. Khi đã xa quê thì quê hương với tất cả niềm tự hào và tình cảm của những người thân thương là sự níu kéo, là bến đỗ để ta hoài niệm, nhớ về. Tôi đã xâu chuỗi những nỗi niềm lắng đọng đó trong bài thơ “Quê tôi” để tặng cô hàng xóm thân thương - người vợ của tôi sau này…”. Dưới đây là bài thơ “Quê tôi”:

Quê tôi dải cát trắng dài

Như người con gái ban mai dịu hiền

Chiều về chải tóc làm duyên

Lắng trong đôi mắt đắm nhìn chờ ai

Bình minh rực rỡ nắng mai

Cá tôm đầy lưới, thuyền khơi đi về

“Khoai cười”* với “cháo Đồng quê”**

Thêm bao nỗi nhớ bộn bề trong tim

Quê minh non nước đảo Tiên

Cồn Mang, núi Ngọc canh trời biển khơi

Trà Bình đẹp lắm ai ơi

Dương xanh, cát trắng, thủy triều mênh mang

Nhờ ngày sang bến đò ngang

Có em đưa tiễn sang trang cuộc đời

Chiến trường khắp chốn cùng nơi

Vững vàng chân bước, cuộc đời xông pha

Tình non nước, nghĩa quê nhà

Gian nan mà chẳng phôi phai lời thề

Cả cuộc đời, mối tình quê

Ngàn năm giữ lấy lời thề chẳng phai.

Việt Hưng

____________

*, **: Những món ăn dân dã của người Bình Ngọc, Móng Cái.