Có người nói “Phạm Tiến Duật - thi sĩ của Trường Sơn”. Bởi 14 năm mặc áo lính, ông đã sống và chiến đấu 8 năm ở Trường Sơn. Trường Sơn đã tạo nên thơ Phạm Tiến Duật, và Phạm Tiến Duật cũng là người mang được nhiều nhất Trường Sơn vào thơ.

Những năm đánh Mỹ ở Trường Sơn, Phạm Tiến Duật kịp ghi lại những ngày tháng không thể nào quên của những lính trẻ, của những cô thanh niên xung phong tuổi mười tám đôi mươi quên mình vì Tổ quốc, rất dũng cảm, trách nhiệm, hồn nhiên trong sáng: “Những đội làm đường hành quân trong đêm/ Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng/ Rực rỡ mặt đất bình minh/ Hấp hối chân trời pháo sáng/ Đường trong tim anh in những dấu chân”. Cuộc sống gian lao là vậy và có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng các chị không khí nào để con đường bị tắc: “Bụi mù trời mùa hanh/ Nước trắng khe mùa lũ/ Đêm rộng dài là đêm không ngủ/ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường” (Gửi em, cô thanh niên xung phong).

Phạm Tiến Duật viết về tình yêu, hạnh phúc mà đọc lên ta lại thấy âm vang trong bài thơ là tiếng súng chiến đấu và cảm nhận hạnh phúc được chiến đấu cho lý tưởng cách mạng. Nhà thơ yêu cô gái bởi những gian lao vất vả mà cô phải chịu đựng trong chiến tranh: “Cạnh giếng nước có bom từ trường/Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà…” (Gửi em, cô thanh niên xung phương).

Đường Trường Sơn - chính nơi đây tâm hồn Việt Nam tỏa sáng “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình” (Tố Hữu). Con đường dọc ngang dãy Trường Sơn này chứa trong nó những trang sử rất đỗi hào hùng, bi tráng. Trong khốc liệt chiến tranh, chính sức trẻ, ý chí kiên cường không ngại khó, ngại khổ, chẳng tiếc máu, xương. Thời gian chỉ có một ngày mà mười bảy trận bom giội xuống. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, thiếu thốn, chiến tranh còn làm phai tàn tuổi thanh xuân của con người:“Tiếc năm ngoái anh không tới đây/ Mười bảy trận bom Mỹ dội một ngày/... Tiếc anh không về từ trước tháng ba/ Nước trong khe cũng còn dư dật/... Mười năm sống xa phố xa làng/ Tám năm ở trong núi trong hang...”  (Tiếng cười của đồng chí coi kho).

Hiện thực trong thơ Phạm Tiến Duật rất gian khổ, ác liệt, bộn bề, gấp gáp, nóng bỏng, rất nhiều âm thanh của tiếng hò, tiếng hát, tiếng cười… Rất nhiều ánh sáng của đèn dù, pháo sáng, quầng lửa, ánh chớp, vầng trăng: “Hai phút trên đầu một lượt máy bay/ lá nguỵ trang như còn bốc khói/ và bãi đất này như cái lưng người giơ ra/ không biết mỏi/ đen xạm khói bom, nham nhở vết thương”  (Nghe hò đêm bốc vác). “Khói bom lên trời thành một cái vòng đen/Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng/ Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng/ Cái yên lặng bình thường đến sau chiến tranh/ Có mất mát nào lớn bằng cái chết/ Khăn tang, vòng tròn như một số không/ Nhưng bạn ơi ở bên trong vòng trắng/ Là cái đầu bốc lửa ở bên trong” (Vòng trắng). Em gái văn công” thì không quản gian nguy: “Trận địa pháo vừa bắn rơi phản lực/Có tiếng em hát rộn khúc quân hành/Ôi tiếng hát hay từng viên đạn nổ/Cùng bay lên gìn giữ trời xanh” (Em gái văn công).

Không gian con đường thể hiện sự cảm nhận hiện thực độc đáo của Phạm Tiến Duật. Con đường mặt trận, nhưng với anh cũng là con đường tình đặc biệt, con đường để anh đi tìm em giữa khói lửa chiến tranh, con đường dẫn anh và em hướng về tình yêu tổ quốc. Đường ra tiền tuyến hóa ra cũng là con đường nối những tình yêu: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn tây”. Người con trai còn dặn dò, nhắn nhủ người yêu, đã mưa nhiều  thì muỗi lắm, cho nên phải thả dài tay áo để muổi khỏi đốt:“Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có lấy măng không?” (Trường Sơn đông, Trường Sơn tây). Cả măng và rau đều chỉ có vào mùa mưa, hết rau thì cũng hết măng. Ở phía Tây Trường Sơn, nhiều nơi vào mùa khô bộ đội phải ăn cả củ móng ngựa, một loại củ còn chát hơn cả của nâu. Câu thơ ngổn ngang chất liệu đời sống mà hay, giản dị mà thật khó viết.

Hình ảnh anh bộ đội trong thơ Phạm Tiến Duật cũng  rất láu lỉnh, khen nón mà hóa ra nhận người, một sự vơ vào rất có duyên: “Hồng hồng đôi mặt thân quen/ Nón bài thơ cái chao đèn của anh” (Cái chao đèn).

Xúc cảm trước sự quên mình và hồn nhiên của người lính Phạm Tiến Duật đã có những câu thơ rất mộc mạc, chân tình và độc đáo: “Không có kính: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi… Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Tiểu đội xe không kính). Những người lái xe vui trong niềm vui ấm áp, tình đồng chí, đồng đội. Cái bắt tay qua cửa kính vỡ khi gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới…

(còn nữa)

Nguyễn Văn Thanh