Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò chủ chốt cho sự phát triển kinh tế

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là chìa khóa để mỗi quốc gia khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư chưa từng có vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo, với những đột phá mạnh mẽ trong AI tạo sinh đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược toàn cầu.

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và các đối tác công bố tại Diễn đàn Đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 mới đây cho thấy, Việt Nam đang là điểm đến của dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm và thị trường vốn thắt chặt, Báo cáo cho biết, mức độ tham gia của nhà đầu tư rất tích cực, khi có tới gần 150 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động trong năm 2024 tại Việt Nam.Việt Nam cũng đang nổi lên là điểm nóng của các lĩnh vực công nghệ thế hệ mới, như đầu tư vào start-up trí tuệ nhân tạo (AI) tăng gấp 8 lần so với năm trước đó, đầu tư vào nông nghệ công nghệ cao tăng gấp 9 lần.

Làn sóng đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao đang tăng rất nhanh với các ngành như: Công nghiệp bán dẫn; công nghiệp thông minh; công nghệ màng mỏng (Fintech); năng lượng tái tạo/công nghệ sạch (Renewable energy/ Clean tech); vật liệu mới (graphene, skyrmions, bio-plastic... Do đó, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực còn được đặt ra cao hơn nữa. Đào tạo đúng và trúng để khắc phục những bất cập của thị trường lao động hiện nay cần phải được giải quyết thật nhanh chóng.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành nghề mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data) và chuyển đổi số khiến nhu cầu về kỹ năng chuyên sâu tăng cao, trong khi đó hệ thống đào tạo chưa kịp thích nghi. Theo Cục Thống kê, quý I-2025, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,9 triệu người, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chỉ đạt 28,8%.

Hiện nay, hệ thống đào tạo từ trình độ đại học, cho đến cao đẳng, trung cấp trong nước đang đào tạo nhiều ngành nghề mà thị trường không có nhu cầu sử dụng, sinh viên ra trường không có việc làm. Việc này xuất phát từ việc đào tạo không sát với nhu cầu thị trường. Do đó, đào tạo phải đúng và trúng, đào tạo phải theo nhu cầu của thị trường. Nhưng đi cùng với đó là việc phải dự đoán được nhu cầu trong ngắn hạn 3-5 năm tới và dự đoán trong dài hạn. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường và tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp thì nhân lực đào tạo ra thị trường mới hấp thụ được.

Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm. Đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động. Nhưng bên cạnh nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là yếu tố không thể thiếu để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động chất lượng cao, cần cập nhật chương trình giáo dục, tập trung vào các kỹ năng thực tế và lĩnh vực đang phát triển như công nghệ, khoa học dữ liệu.

Tháng Công nhân năm 2025 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” nhằm khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần làm chủ khoa học - công nghệ và ý chí cống hiến của người lao động, tăng cường sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội đối với giai cấp công nhân. Đồng thời, thúc đẩy công nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận các xu hướng lao động hiện đại, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Việt Nam đang ở những thời khắc lịch sử, cùng với lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Cùng với đẩy mạnh cải cách thể chế để giải phóng nguồn lực cho đổi mới sáng tạo, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong ba khâu đột phá chiến lược, đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên của phát triển tăng tốc bền vững, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc.

Hồ Thanh Hương