Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần đón tiếp gia đình nhà báo Mai Nam Thắng, năm 2006.

Vào những ngày này của 10 năm trước, mùa thu năm 2013, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và bạn bè quốc tế thương tiếc tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một danh tướng lỗi lạc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cõi vĩnh hằng an giấc ngàn thu…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ được toàn dân, toàn quân ta tin tưởng, kính yêu mà còn được bạn bè trên thế giới, kể cả những người từng là đối thủ của ông, khâm phục và ngưỡng mộ. Họ gọi ông là một trong những vị Thống soái xuất sắc của mọi thời đại; là thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20; là vị tướng huyền thoại... Nhiều học giả nước ngoài dành công sức nghiên cứu vì sao một dân tộc thuộc địa bé nhỏ, tiểu nông, lạc hậu... lại có được một vị tướng tầm cỡ như thế?

Thiển nghĩ, nếu hiểu thấu đáo và trọn vẹn hai chữ “Anh Văn” mà đồng bào, đồng chí cả nước trìu mến gọi vị Đại tướng của mình, thì các học giả sẽ lý giải được phần nào những câu hỏi trên đây. Tinh thần yêu nước quật cường và truyền thống văn hiến Việt Nam đã hun đúc nên một vị tướng Văn-Võ song toàn. Vị tướng ấy thành công là nhờ phong trào cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; đặc biệt là nhờ mối quan hệ từ rất sớm và lâu dài với lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Người tin cậy giao phó trọng trách và trở thành một trong những học trò xuất sắc của Người. Vươn lên tầm cao huyền thoại thế giới là bởi Võ Nguyên Giáp thấm đẫm Nhân văn khi hành Võ. Ông am tường văn hóa Đông-Tây để kết hợp tài tình chiến tranh du kích với đội quân chính qui. Ông kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc để trở thành danh nhân quân sự được cả thế giới ngưỡng mộ...

Thật là độc đáo và thú vị khi một danh nhân rời xa quê hương từ thủơ thiếu niên, trở thành một chính khách tinh thông nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp, nhưng trong giao tiếp thường ngày cũng như trên các diễn đàn trong nước, ông vẫn giữ đặc sệt giọng nói quê mẹ Quảng Bình. Đó cũng là một nét văn hóa của Anh Văn - người Anh Cả của đội quân mà tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ. Càng vinh dự hơn khi tôi được làm người đồng hương thuộc thế hệ con cháu của ông. Do điều kiện công tác và bởi những mối quan hệ trên đây mà tôi may mắn có những lần được gặp Đại tướng. Mỗi lần được gặp ông là một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi về những ứng xử bặt thiệp của một nhà văn hóa lớn. Và mỗi lần như thế, trong tôi lại dạt dào cảm xúc thi ca…

Mùa xuân năm 1979, tôi đi thực tập tốt nghiệp sư phạm, được phân công về dạy học ở Trường cấp hai xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, ngay tại làng của Đại tướng. Trước đó 2 năm, mùa xuân năm 1977, lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng trong dịp ông về thăm thị xã Đồng Hới và tôi được tham gia đội văn nghệ của Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh biểu diễn chào mừng. Sau chương trình văn nghệ, Đại tướng đến bắt tay các “diễn viên”. Đến lượt tôi, ông hỏi thăm quê quán và “nhắc khéo” việc tôi “nhại” giọng Huế khi diễn bài tấu nói. Kỷ niệm ấy theo tôi về Lộc Thủy. Nhiều đêm tôi ngồi trên cầu Ông Giáp, ngắm những con thuyền chở lúa lướt trên dòng Kiến Giang… để tìm ý tứ cho bài thơ “Mái tóc và dòng sông” ca ngợi quê hương của Đại tướng:

Anh theo em về lại Kiến Giang/ Ghé chợ Hôm mua xấp trầu biếu mẹ/ Qua Mũi Viết hiểu điều giản dị:/ Thương đất nghèo con nước cũng chia đôi…/ Con nước lên… rồi con nước vơi…/  Chưa kịp Thác Tre đã bồi hồi Bến Tiến…

Hơn mười năm sau, khi đã tốt nghiệp Đại học báo chí và về công tác ở báo Quân đội nhân dân được mấy năm, tôi mới có dịp được đọc bài thơ trên đây cho Đại tướng nghe. Dịp ấy vào giữa tháng giêng năm 1991, Hội đồng hương Quảng Bình ở Hà Nội tổ chức gặp mặt đầu Xuân ở hội Trường đại học Bách khoa. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và gia đình đến dự. Năm ấy Đại tướng đã thượng thọ bát tuần, nhưng vẫn rất khoẻ mạnh bặt thiệp. Đại tướng đến tận ghế ngồi bắt tay nhiều cụ già trước khi lên sân khấu nói chuyện và chúc Tết bà con đồng hương. Xong, Đại tướng định bước xuống thì Ban tổ chức giới thiệu tôi lên đọc bài thơ viết về quê hương Lệ Thuỷ. Đại tướng liền dừng lại bên cánh gà sân khấu, chờ tôi đọc xong bài thơ thì đến bắt tay tôi và khen thơ hay. Tôi vô cùng sung sướng và cảm kích khi được một vị Nguyên lão Tướng quân đối xử như vậy. Và tôi cũng biết, đó không hẳn là vì bài thơ mà vì Đại tướng là một nhân cách văn hóa mẫu mực trong từng hành vi ứng xử thường ngày.

Từ lần đọc thơ ấy về sau, tôi còn nhiều dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi thì tại nhà riêng của Đại tướng, khi thì tại những cuộc hội họp, khi là do công việc làm báo, khi là vì những sinh hoạt của Hội đồng hương… Nhưng may mắn nhất là mùa thu năm 2006, cả gia đình tôi được đến chúc mừng Đại tướng thượng thọ 95 tuổi. Bữa đó có cả nghệ sĩ nhiếp ảnh Đại tá Trần Hồng, phóng viên báo Quân đội nhân dân cùng đến. Anh Trần Hồng là nhà báo đã được chụp hàng ngàn kiểu ảnh về Đại tướng trong hàng chục năm qua. Trong câu chuyện ấm cúng không khí gia đình hôm ấy, anh Trần Hồng nói: “Cháu đi theo Đại tướng từ lâu mà chưa bao giờ được chụp ảnh với Đại tướng, hôm nay xin phép…”. Đại tướng xua tay, giọng thân mật nhưng rành rọt: “Anh chỉ được phép chụp chung với mọi người thôi. Ai cũng muốn chụp riêng như anh thì tôi làm sao đáp ứng được?”. Tôi nhân đà vui vẻ cũng đề nghị: “Thưa bác, cho cháu được chụp với bác một kiểu để “bù” cho lần đọc tấu 30 năm trước ở Đồng Hới không có được tấm ảnh nào cả”. Đại tướng lại xua tay:

- Anh cũng chỉ chụp chung thôi! Nào cả nhà cùng chụp một tấm ảnh kỷ niệm…

Chúng tôi nhanh chóng đứng lên xếp hàng phía sau Đại tướng. Con trai tôi ngồi hàng trước, được Đại tướng cầm tay cho xích lại gần hơn. Đúng giây phút vô giá ấy, nghệ sĩ Trần Hồng bấm máy (xem ảnh). Đó là bức ảnh gia bảo của gia đình chúng tôi hiện nay. Và cũng từ đó đến nay, mỗi khi nhớ lại chuyện “anh cũng chỉ được chụp chung thôi”, tôi lại càng kính phục sự tinh tế, cẩn trọng rất nguyên tắc của Đại tướng trong mọi trường hợp, cảnh huống. Trong thẳm sâu lòng mình, tôi thầm mong một ngày nào đó mình sẽ được “chụp riêng” với Đại tướng một tấm ảnh kỷ niệm, như biết bao cháu bé, cụ già, cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh... đã vinh dự được chụp ảnh với Đại tướng. Tiếc rằng nay cơ hội ấy đã không còn nữa, khi Người đã vĩnh viễn đi xa vào một ngày cuối thu năm 2013…

Đã tròn 10 mùa thu tiễn biệt. Tiếc thương, cảm động… nhưng cũng thật phấn khởi, tự hào bởi qua cuộc tiễn - đưa - vĩ - đại ấy, thêm hiển lộ những giá trị nhân văn, những bài học thực tiễn, những vấn đề thời sự… mà bấy nay trong những khúc quanh của dòng đời đôi khi ta hoài nghi, lo lắng, băn khoăn… Đã khá lâu mới lại có một cuộc tập hợp quần chúng đông đảo và tự giác, một cuộc biểu dương ý chí và tình cảm của nhân dân kỳ vỹ và cảm động như những ngày Quốc tang Đại tướng. Những ngày để tang Đại tướng tôi như thấy những nét văn hóa truyền thống, văn hóa đô thị, văn hóa công quyền… được thể hiện thật tự nhiên và sinh động. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhìn vào đó để tin tưởng, vững tâm. Mỗi cán bộ, đảng viên nhìn vào đó để tự soi, tự sửa. Bạn bè quốc tế nhìn vào đó để thêm hiểu, thêm yêu đất nước và con người Việt Nam… Bài thơ Hoa sữa Thu này tôi viết khóc Người năm ấy, đoạn kết như sau:

Để ngợi ca, thơ chẳng dám gieo vần/ Trước một Vĩ nhân - Tượng đài bất tử!/ Con lặng lẽ trong dòng người lặng lẽ/ Trong rưng rưng hoa sữa Thu này…

Gần một năm sau đó, bài thơ Lau trắng Điện Biên của tôi được Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng trao giải Nhất trong cuộc thi sáng tác và biểu diễn văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/2014). Cảm hứng chủ đạo của bài thơ vẫn là hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu:

Ơi những hồn lau mái lán Tỉn Keo/ Dõi theo bóng Tướng quân tại ngoại/ Rừng Mường Phăng trăng sao tỏ lối/ Cờ lau reo tin thắng trận bay về…/ Dẫu đất trời còn lắm bão giông/ Vẫn lau trắng như Bạch đầu Nguyên lão/ Vẫn vằng vặc Tâm quang Khuê Tảo/ Lau Vũng Chùa-Đảo Yến rợp Đèo Ngang…

Từ bấy đến nay, mỗi lần đến viếng Đại tướng ở Vũng Chùa quê nhà, hay tại tư gia của Đại tướng ở Hà Nội, tôi lại thầm đọc những câu thơ trên đây, như lúc Người sinh thời, tôi đã vinh dự 2 lần được đọc tấu và đọc thơ kính tặng.

                                    Mai Nam Thắng